Khi dùng thuốc trị tiểu đường, người bệnh thường nảy sinh nhiều rất băn khoăn. Người thắc mắc khi nào phải uống thuốc, uống trước ăn hay sau ăn? Người lo lắng uống thuốc có hại gì? Người lại tự hỏi có thuốc nào điều trị dứt điểm bệnh tiểu đường không?... Vậy lời giải cho các câu hỏi này là gì?

Trong chương trình Tư vấn chuyên gia, BS. Nguyễn Huy Cường - Nguyên Phó trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết trung ương sẽ giải đáp 6 thắc mắc thường gặp nhất về thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Nhờ đó, giúp người bệnh hiểu rõ hơn và biết cách dùng thuốc đảm bảo hiệu quả, an toàn.

Bs Nguyễn Huy Cường trao đổi cùng MC Kim Chi.

Bs Nguyễn Huy Cường trao đổi cùng MC Kim Chi.

Người bệnh tiểu đường đang được điều trị bằng các loại thuốc gì?

BS Nguyễn Huy Cường cho biết, người bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 thường sẽ được dùng các loại thuốc điều trị khác nhau.

Thuốc điều trị tiểu đường tuýp 1

Với tiểu đường tuýp 1, tuyến tụy mất khả năng tiết insulin. Mà insulin là chất duy nhất trong cơ thể có tác dụng hạ đường máu nên người bệnh bắt buộc phải tiêm insulin.

Tuy nhiên, để ổn định đường huyết một cách tốt nhất, chúng ta sẽ phải “bắt chước” nhịp tiết insulin của tuyến tụy bằng cách tiêm insulin nhiều lần trong ngày.

Cụ thể, trong 3 bữa ăn chính, người bệnh sẽ tiêm insulin nhanh để làm giảm đường máu. Ngoài ra, người bệnh sẽ cần tiêm thêm 1 loại insulin tác dụng kéo dài, trung bình. Bởi insulin nhanh chỉ có tác dụng trong vài giờ. Nếu không có insulin tác dụng kéo dài, tại các thời điểm xa bữa ăn, đường huyết sẽ tăng cao.

Xem thêm: Tìm hiểu về insulin và cách sử dụng hiệu quả cho người tiểu đường 

Thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2

Với tiểu đường tuýp 2, bệnh có 2 cơ chế chính. Một là do tăng đề kháng insulin, hai là tuyến tụy tiết thiếu insulin. Để khắc phục, người bệnh sẽ phải dùng các thuốc giảm kháng insulin như Metformin và thuốc hạ đường huyết nhóm sulfamid như Amaryl, Diamicron… Những thuốc nhóm này làm cho tụy tăng tiết insulin. Đây là 2 nhóm thuốc thuốc tây trị tiểu đường tốt nhất hiện nay, bên cạnh insulin.

Ngoài 2 nhóm thuốc trên, người bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể được dùng các nhóm thuốc khác như:

  • Thuốc ức chế men alpha glucosidase (Glucobay): Thuốc này sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa tinh bột.
  • Thuốc ức chế men DPP-4: DPP - 4 là men phá hủy các chất incretin có tác dụng kích thích tuyến tụy tăng tiết insulin tại ruột. Khi dùng loại thuốc này, các chất incretin tồn tại trong máu lâu hơn nên sẽ giảm được đường máu.
  • Thuốc giúp tăng thải đường qua thận: Thuốc này giúp người bệnh thải nhiều đường qua thận hơn. Nhờ đó, lượng đường trong máu sẽ giảm xuống.
  • Thuốc đồng vận thụ thể GLP - 1: Đây là 1 loại thuốc tây chữa bệnh tiểu đường mới thường được dùng cho người béo phì. Cơ chế hạ đường huyết của thuốc là tăng lượng incretin trong máu và giảm cảm giác thèm ăn.

BS Nguyễn Huy Cường giải đáp về các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường.

Có thuốc điều trị dứt điểm bệnh tiểu đường không?

Theo BS Nguyễn Huy Cường, với tiểu đường tuýp 1, hệ miễn dịch tự tiêu diệt tế bào beta tuyến tụy nên người bệnh phải tiêm insulin. Người bệnh có thể trông đợi các công nghệ mới như ghép tụy, ghép tế bào gốc. Nhưng hiện nay, những phương pháp này chưa hoàn toàn thành công.

Ở tiểu đường tuýp 2, cơ chế bệnh sinh còn phức tạp hơn tiểu đường tuýp 1, liên quan đến rất nhiều gen. Muốn chữa khỏi hoàn toàn bệnh tiểu đường tuýp 2, chúng ta cần có công nghệ sửa chữa gen. Nhưng các phương pháp hay thuốc điều trị hiện tại không tác động vào gen được.

Nhìn chung, điều trị bệnh tiểu đường hiện nay chỉ dừng ở mức tăng chất lượng sống và tuổi thọ cho người bệnh. Còn người bệnh không nên tin vào các thuốc quảng cáo trị hết bệnh tiểu đường.

BS N.H. Cường nhấn mạnh: Không có thuốc điều trị dứt điểm bệnh tiểu đường.

Khi nào người bệnh phải uống thuốc tiểu đường?

Chia sẻ về vấn đề này, BS Nguyễn Huy Cường cho biết: Với những người mới bị tiểu đường, HbA1c dưới 7.5%, đường máu dưới 8 mmol/l, sau ăn dưới 12 mmol/l, không có triệu chứng gì rầm rộ và chưa có biến chứng gì đáng kể thì người bệnh chưa nhất thiết phải dùng thuốc ngay. Thay vào đó người bệnh cần vận động, thay đổi cách ăn và giảm cân nếu bị thừa cân. Những phương pháp này cũng có thể giảm đường máu. Nếu sau khi áp dụng mà đường máu vẫn không hạ về mức cho phép thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc.

Còn những trường hợp HbA1c trên 7.5%, đường máu cao. Ví dụ lúc đói trên 8, trên 9, đường máu sau ăn lên đến 14, 15. Hoặc có triệu chứng rầm rộ thì người bệnh sẽ phải dùng thuốc. thậm chí là tiêm insulin ngay. Sau một thời gian, đường huyết giảm sẽ chuyển về thuốc uống hoặc kiểm soát chế độ ăn và tập thể dục.

Giải đáp chi tiết của BS N.H. Cường về câu hỏi khi nào phải uống thuốc trị bệnh tiểu đường.

Thuốc tiểu đường uống trước hay sau ăn?

Theo BS Nguyễn Huy Cường, có những thuốc tiểu đường bắt buộc phải uống trước bữa ăn hoặc là ngay trong lúc ăn. Ví dụ như thuốc ức chế men alpha glucosidase (Glucobay). Thuốc này hoạt động theo cơ chế, khi vào cùng thức ăn, thuốc sẽ ức chế men tiêu hóa tinh bột và làm giảm đường máu sau ăn. Vì vậy nếu người bệnh ăn rồi mới uống thuốc thì sẽ không có tác dụng.

Còn hầu như tất cả các thuốc khác có thể uống trước ăn hoặc sau ăn đều không ảnh hưởng. Việc người bệnh uống uống thuốc hàng ngày là để đủ nồng độ có hiệu quả điều trị. Chứ không phải là uống vào, ngay lập tức thuốc có tác dụng.

Nhưng thường nếu mà không bắt buộc uống trước ăn thì nên uống sau ăn để hạn chế tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.

Theo BS N.H. Cường: Hầu hết các thuốc tiểu đường đều có thể uống ngay sau ăn.

Người bệnh tiểu đường có phải uống thuốc suốt đời không?

Theo BS Nguyễn Huy Cường, việc uống thuốc cũng như khi mặc áo rét. Nếu đang mặc 3 áo mới đủ ấm, khi cởi bớt áo đi, chắc chắn sẽ bị lạnh trở lại. Tương tự, khi người bệnh đang uống 4 - 5 viên thuốc, đường máu về được 7 mmol/l mà bỏ thuốc thì rất nguy hiểm. Bởi bệnh tiểu đường vẫn còn đó. Trường hợp này, người bệnh muốn giảm liều thì nên đến bác sĩ. Bác sĩ sẽ cân nhắc giảm liều từ từ để thử xem sau khi giảm liều đường máu còn giữ ở dưới mức 7 mmol/l hay không.

Riêng với trường hợp mới phát hiện tiểu đường, người bệnh chỉ dùng 1 hoặc ½ viên thuốc với liều rất nhỏ. Hoặc người bệnh có xu hướng hay bị hạ đường huyết. Trường hợp này có thể cân nhắc đến việc ngừng thuốc được. Và thay vào đó quan tâm nhiều hơn đến chế độ ăn, tập luyện để ổn định đường máu.

BS Nguyễn Huy Cường giải đáp: Bệnh tiểu đường có phải uống thuốc suốt đời không?

Uống thuốc tiểu đường có tác dụng phụ, có hại gan thận không?

Chia sẻ về vấn đề này, BS Nguyễn Huy Cường cho biết: Thuốc Tây nhìn chung có độ an toàn và tin cậy cao hơn các sản phẩm Đông y không rõ nguồn gốc hiện nay. Ví dụ như nhóm thuốc sulfamid hạ đường huyết. Thuốc này không gây suy thận, chỉ làm tăng men gan nhẹ nhưng với tỷ lệ dưới 1%. Trong khi đó, theo một số thống kê tại các nước Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, tỷ lệ tăng men gan do thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc lên đến 18%.

Chủ yếu, thuốc điều trị tiểu đường hay gây rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy). Tác dụng phụ này hay gặp ở những người mới mắc, mới uống thuốc. Nhưng rất may, đa số các triệu chứng sẽ hết sau 1 thời gian và người bệnh không phải bỏ thuốc.

Ngoài ra, BS Huy Cường cũng chia sẻ thêm, những người bệnh bị rối loạn tiêu hóa khi dùng thuốc cũng không phải quá lo lắng. Trường hợp này, chỉ cần báo bác sĩ để bác sĩ đổi loại thuốc. Ví dụ như chuyển sang dạng giải phóng chậm (Glucophage XR, Diamicron MR).

Tư vấn của BS Nguyễn Huy Cường về tác dụng phụ của thuốc chữa bệnh tiểu đường.

Hy vọng qua những chia sẻ của BS. Nguyễn Huy Cường - Nguyên Phó trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết trung ương, người bệnh sẽ hiểu hơn về thuốc trị tiểu đường. Nhờ đó, biết cách dùng thuốc có hiệu quả và đảm bảo an toàn.