Bệnh thận tiểu đường có thể tiến triển âm thầm thành suy thận mà không có triệu chứng trong nhiều năm. Thế nhưng nếu để ý kỹ, bạn có thể phát hiện sớm biến chứng này qua 5 dấu hiệu bất thường trong nước tiểu, số lần đi tiểu đêm và phù mắt cá chân, tăng huyết áp.

Người bệnh tiểu đường có thể phát hiện sớm biến chứng thận qua 1 số dấu hiệu cảm quan.
Người bệnh tiểu đường có thể phát hiện sớm biến chứng thận qua 1 số dấu hiệu cảm quan.

Theo thống kê của Hiệp hội Thận Quốc gia Hoa kỳ (NDF), khoảng 30% người bệnh tiểu đường tuýp 1 và 10 - 40% người bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ có biến chứng thận sau 10 - 15 năm mắc bệnh. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, người bệnh rất dễ bị suy thận, phải chạy thận nhân tạo suốt đời.

Tiểu đường biến chứng suy thận không chỉ đặt người bệnh vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” mà còn tạo ra gánh nặng về chi phí điều trị cho gia đình của họ. Vì vậy, phòng ngừa và phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo suy thận sẽ giúp người bệnh tiểu đường giảm rủi ro về sức khỏe và tài chính.

Những dấu hiệu cảnh báo bệnh thận tiểu đường

Các dấu hiệu có khác nhau ở mỗi người nhưng 5 dấu hiệu cảnh báo dưới đây thường gặp nhất:

Nước tiểu ngầu bọt

Nếu sau khi đi tiểu, thấy nước tiểu của mình đục hoặc sủi bọt như bia hay giống như đánh trứng, rất có thể bạn đang gặp phải tình trạng thoát protein (chất đạm) vào nước tiểu. Nguyên nhân là do các lỗ lọc trong cầu thận bị hư hỏng làm protein bị lọt ra ngoài và tạo bọt trong nước tiểu. Ở người khỏe mạnh, nước tiểu sẽ không có chất này.

Nước tiểu sủi bọt như bia là dấu hiệu sớm của bệnh thận tiểu đường.

Nước tiểu sủi bọt như bia là dấu hiệu sớm của bệnh thận tiểu đường.

Huyết áp tăng bất thường

Tăng huyết áp và bệnh thận tiểu đường có mối quan hệ 2 chiều. Người bệnh huyết áp cao sẽ dễ bị tổn thương thận hơn. Bởi huyết áp cao có thể gây hẹp hoặc xơ cứng các động mạch thận làm cho thận không được nuôi dưỡng. Ngược lại, huyết áp tăng cũng là một triệu chứng cảnh báo tổn thương thận.

Người bị bệnh thận tiểu đường có thể thấy huyết áp trung bình của mình tăng lên ≥ 140/90 mmHg hoặc có các cơn tăng huyết áp bất thường. Nếu phát hiện các dấu hiệu này, bạn cần tới bệnh viện kiểm tra nước tiểu tìm vi đạm niệu (microalbumin) để phát hiện sớm biến chứng thận.

Tiểu đêm nhiều lần

Một người có thận khỏe mạnh có thể đi tiểu một ngày 7 - 8 lần, thế nhưng chỉ có 1 lần vào ban đêm. Vì vậy, nếu bạn thường xuyên phải thức giấc giữa đêm để đi vệ sinh, hãy sớm xếp 1 buổi đến chuyên khoa thận - tiết niệu để thăm khám.

Lượng đường trong máu tăng cao có thể khiến thận phải hoạt động nhiều hơn để thải bớt đường qua nước tiểu. Nhưng khi thận của bạn bị tổn thương, thời gian lọc của thận cũng giảm khiến bạn đi tiểu nhiều lần hơn.

Tiểu đêm 2 lần/ngày có thể cảnh báo nguy cơ tổn thương thận

Tiểu đêm 2 lần/ngày có thể cảnh báo nguy cơ tổn thương thận

Nước tiểu đục hay có màu hồng

Thận khỏe mạnh thường giữ lại các tế bào máu (hồng cầu) trước khi tạo ra nước tiểu. Nhưng khi bộ lọc của thận bị tổn thương, các tế bào máu này có thể bắt đầu "rò rỉ hồng cầu" ra nước tiểu. Ngoài việc làm thay đổi màu sắc nước tiểu, việc rò rỉ này có thể khiến nước tiểu bị đục hơn bình thường.

Sưng mắt cá chân hoặc bọng mắt

Chức năng thận giảm có thể gây giữ muối, giữ nước, từ đó dẫn đến phù. Những vị trí đầu tiên bị ảnh hưởng là mắt cá chân và mí mắt. Do đó, nếu thấy các vùng này bị phù nề, bạn cần đi gặp bác sĩ kiểm tra.

Ngoài ra, khi thận bị tổn thương nặng, các độc tố sẽ ở lại trong máu thay vì được đào thải ra ngoài. Điều này có thể khiến người bệnh thường xuyên bị mệt mỏi, khó tập trung, mất ngủ, hay bị chuột rút, ngứa da, chán ăn, hoặc hơi thở có mùi amoniac (hội chứng ure huyết).

Làm sao để bảo vệ thận trong bệnh tiểu đường?

Để bảo vệ thận khỏi các biến chứng của bệnh tiểu đường, bạn cần áp dụng sớm các giải pháp sau:

  • Kiểm soát tốt đường huyết, đặc biệt là chỉ số HbA1c: Nghiên cứu cho thấy giảm 1% HbA1c giúp giảm 37% nguy cơ mắc biến chứng thận.
  • Giữ huyết áp dưới 140/90 mmHg bằng cách ăn vừa phải muối, hạn chế các đồ ăn nhiều muối như dưa cà, giò, chả, lạp xưởng… giảm bớt các món chiên rán hay thực phẩm giàu cholesterol (phủ tạng, mỡ động vật…)
  • Thăm khám định kỳ: Tốt nhất ngay khi phát hiện bệnh tiểu đường, bạn cần đi kiểm tra microalbumin niệu. Sau đó định kỳ 1 - 3 năm đi kiểm tra lại 1 lần.
  • Bỏ thuốc lá, không dùng thuốc giảm đau khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

Xem thêm: 

Giải đáp nhanh 10 câu hỏi về bệnh thận đái tháo đường  

Biến chứng bệnh tiểu đường: Dấu hiệu & cách phòng ngừa hiệu quả 

Tham khảo: Kidney.org, Mayoclinic.org