Không chỉ gây tổn thương thần kinh, mắt, thận hay bàn chân, bệnh tiểu đường có thể gây biến chứng trên tim mạch, gây xơ vữa mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Vậy làm sao để phòng ngừa biến chứng mạch máu nguy hiểm này? Bài viết sau sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.

Người bệnh tiểu đường dễ bị biến chứng tim mạch.

Người bệnh tiểu đường dễ bị biến chứng tim mạch.

Cơ chế gây biến chứng tim mạch ở người tiểu đường

Cũng như các biến chứng mạch máu lớn khác, cơ chế sinh ra biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường là do đường huyết cao tạo ra các chất oxy hóa khiến mạch máu (cụ thể là lớp nội mạc) bị tổn thương..

Khi mạch máu bị tổn thương, các phân tử mỡ máu xấu cholesterol LDL sẽ chui xuống dưới lớp nội mạc mạch máu và tạo thành mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa càng lớn, lòng mạch máu dẫn máu đến các cơ quan càng bị thu hẹp. Ở tim có thể dẫn đến thiếu máu cơ tim, suy tim, tăng huyết áp…

Ngoài ra, mạch máu bị tổn thương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cục máu đông hình thành. Những cục máu đông này có thể gây tắc đột ngột mạch máu và dẫn tới các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não.

Khoảng 30 - 65% các ca tử vong ở người bệnh tiểu đường đều xuất phát từ biến chứng tim mạch. Vì vậy việc hiểu rõ dấu hiệu nhận biết sớm có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa và hạn chế sự tiến triển của biến chứng này.

Dấu hiệu nhận biết biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường

Triệu chứng của biến chứng tim mạch ở người bệnh tiểu đường rất đa dạng. Mỗi vị trí mạch máu bị tổn thương sẽ gây ra những dấu hiệu cảnh báo khác nhau.

Bệnh mạch vành

Đây là dạng biến chứng tim mạch phổ biến nhất và là căn nguyên gây tử vong chính ở người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, dấu hiệu nhận biết biến chứng này lại khá mơ hồ. Nhiều người chỉ vô tình phát hiện mình bị bệnh mạch vành khi đi khám định kỳ.

Một số người có thể gặp các triệu chứng không đặc trưng như thấy người mệt mỏi, khó thở khi làm việc gắng sức (mang vác vật nặng, leo cầu thang), đánh trống ngực, hồi hộp, đau thắt ngực (cảm giác như tim bị bóp nghẹt, đau lan lên vai trái, cằm hoặc cánh tay trái). Tốt nhất, nếu thấy các dấu hiệu này, bạn nên đi khám để phát hiện bệnh sớm.

Biến chứng tim mạch của bệnh  tiểu đường có thể gây xơ vữa động mạch.

Biến chứng tim mạch của bệnh  tiểu đường có thể gây xơ vữa động mạch.

Bệnh mạch máu não

Chủ yếu là tai biến mạch máu não (nhồi máu não). Ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ chỉ có những dấu hiệu như choáng váng, chóng mặt, mất thăng bằng, suy giảm trí nhớ, mất ngủ… Nhưng nếu bị tai biến nặng, bạn có thể đột ngột bị tê liệt nửa người, méo miệng… thậm chí mất ý thức hay tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Bệnh mạch máu ngoại biên

Bệnh mạch máu ngoại biên hay mạch máu ngoại vi là bệnh tắc nghẽn mạch máu ngoại vi tại các chi do mảng xơ vữa và huyết khối. Bệnh này cũng được xếp vào nhóm biến chứng tim mạch.

Biểu hiện sớm của bệnh mạch máu ngoại biên là cơn đau cách hồi. Mỗi khi đi bộ 1 quãng đường, người bệnh sẽ thấy đau chân. Sau khi nghỉ ngơi, triệu chứng này biến mất. Nếu người bệnh tiếp tục đi 1 quãng đường như cũ, cơn đau sẽ xuất hiện lại.

Ngoài ra, người bệnh còn có các biểu hiện khác như chuột rút, sờ không thấy mạch ở chân, chân tay lạnh... Nếu phát hiện muộn, biến chứng này có thể gây loét bàn chân tương tự biến chứng bàn chân ở người bệnh tiểu đường.

Tốt nhất, nếu thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường dù nhỏ, người bệnh cũng nên đi khám. Bác sĩ có thể chỉ định làm chụp CT, siêu âm Doppler, siêu âm tim, điện tâm đồ, đo nồng độ men tim… Những xét nghiệm này sẽ giúp phát hiện sớm biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường.

Thăm khám định kỳ giúp phát hiện sớm biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường.

Ai có nguy cơ mắc biến chứng tim mạch cao?

Nếu bạn bị tiểu đường và có các yếu tố dưới đây, bạn sẽ có nguy cơ bị biến chứng tim mạch cao hơn. Càng có nhiều yếu tố, khả năng bị biến chứng càng tăng.

  • Bị tăng huyết áp hoặc rối loạn mỡ máu (tăng cholesterol; triglycerid máu)

  • Tuổi cao (≥ 60 tuổi)

  • Thừa cân, béo phì

  • Nghiện thuốc lào, thuốc lá

  • Tiền sử gia đình có người bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ

Trong các yếu tố này, chỉ có yếu tố về tuổi và tiền sử gia đình không thể kiểm soát được. Còn tất cả các yếu tố khác đều có thể phòng ngừa.

Cách phòng ngừa biến chứng tim mạch ở người bệnh tiểu đường

Để phòng ngừa biến chứng tim mạch, người bệnh tiểu đường cần đồng thời kiểm soát cả đường huyết và các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, bỏ thuốc lá và giảm cân nếu thừa cân.

Kiểm soát đường huyết

Theo khuyến cáo của Hội Nội tiết Đái tháo Đường Việt Nam, nếu bị tiểu đường, bạn nên giữ đường máu lúc đói dưới 7 mmol/l và HbA1C dưới 7%. Mặc dù kiểm soát đường huyết chưa đủ để giúp bạn hoàn toàn không bị biến chứng tiểu đường về sau. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt được lượng đường trong máu, chắc chắn biến chứng sẽ xuất hiện sớm và khó điều trị hơn. Dưới đây là 1 số mẹo giúp bạn giữ glucose luôn trong mức cho phép:

  • Dùng thuốc điều trị theo đơn và thăm khám định kỳ 1 - 3 tháng/lần
  • Ăn thành nhiều bữa nhỏ, luôn bắt đầu bữa ăn bằng rau xanh và cho rau xanh chiếm 50% lượng thức ăn hàng ngày.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày, có thể chia thành nhiều lần tập, mỗi lần 10 - 15 phút.
  • Ngủ đủ giấc, giữ tinh thần lạc quan thư giãn.

Xem thêm: Bệnh tiểu đường nên ăn gì, kiêng gì?

Giữ tinh thần lạc quan, yêu đời

Giữ tinh thần lạc quan, yêu đời

Kiểm soát huyết áp, mỡ máu

Có rất nhiều cách giúp bạn làm được điều này. Đầu tiên, trong chế độ ăn hàng ngày, bên cạnh việc giảm đồ chứa nhiều tinh bột, hãy hạn chế cả thực phẩm nhiều muối và giàu chất béo chuyển hóa.

Ăn nhiều muối sẽ khiến huyết áp tăng cao. Trong khi đó, chất béo chuyển hóa sẽ làm tăng mỡ máu xấu LDL - cholesterol trong cơ thể. LDL càng cao, mạch máu càng dễ bị xơ vữa gây biến chứng. Lưu ý, chất béo ở đây là chất béo chuyển hóa, có nhiều trong đồ ăn nhanh, chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn như gà rán, khoai tây chiên, bim bim, bánh quy… Với các loại chất béo khác như mỡ động vật, bạn vẫn có thể ăn. Chỉ cần không ăn quá nhiều gây thừa cân.

Việc tập thể dục cũng giúp huyết áp và mỡ máu của bạn ổn định hơn. Nếu cả 2 cách này vẫn chưa đủ, bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc hạ huyết áp và mỡ máu. Cả 2 thuốc này đều phải dùng hàng ngày. Bạn không được bỏ thuốc, trừ phi có chỉ định từ bác sĩ.

Nhiều người bệnh tiểu đường hiện nay cũng đang sử dụng các cây thuốc nam hỗ trợ thêm. Thực tế nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh, có những thảo dược có thể đồng thời giúp người tiểu đường kiểm soát cả mỡ máu, huyết áp, đường huyết. Ví dụ như Câu kỷ tử, Hoài Sơn, Nhàu, Mạch Môn…

Một số thảo dược giúp phòng ngừa biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường.

Một số thảo dược giúp phòng ngừa biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường.

Ngăn chặn các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch

Hút thuốc lá, thừa cân, béo phì cũng làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch. Vì vậy, hãy cố gắng bỏ hút thuốc lá nếu bạn bị tiểu đường.

Với cân nặng, bạn có thể dựa trên chỉ số BMI = cân nặng (kg) : chiều cao (m) : chiều cao (m). Nếu BMI > 23, bạn nên giảm tối thiểu khoảng 5 - 10% cân nặng của mình bằng cách ăn uống điều độ, tăng cường tập thể dục thể thao.

Tuy nhiên, lưu ý không nhịn ăn hoặc ăn uống kiêng khem quá mức để giảm cân. Bởi điều này có thể khiến cơ thể bị “stress” và làm gia tăng các hormon gây tăng đường máu.

“Chìa khóa” phòng ngừa biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường hoàn toàn nằm trong tay bạn. Hãy giữ tinh thần lạc quan và kiên trì thực hiện các giải pháp trên, chắc chắn, bạn sẽ sớm đẩy lùi được biến chứng.

Tham khảo:

https://www.everydayhealth.com/heart-health/heart-disease-and-diabetes.aspx
https://www.diabetes.co.uk/diabetes-complications/heart-disease.html
https://www.webmd.com/diabetes/type-2-diabetes-guide/heart-blood-disease#3