Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường (bệnh thần kinh do đái tháo đường) là tên gọi chung của những tổn thương trên thần kinh do đường huyết cao gây ra. Đây là một biến chứng, có thể xảy ra ở cả người bệnh tiểu đường tuýp 1, tuýp 2.

Không chỉ gây đột quỵ, suy thận, bệnh tiểu đường còn gây biến chứng trên thần kinh

Không chỉ gây đột quỵ, suy thận, bệnh tiểu đường còn gây biến chứng trên thần kinh

Các dạng biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường

Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường có nhiều dạng khác nhau. Thường gặp nhất là biến chứng thần kinh ngoại biên và biến chứng thần kinh tự chủ. Thống kê cho thấy khoảng 50% người bệnh tiểu đường type 2 bị 2 biến chứng này ngay tại thời điểm chẩn đoán. Và cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên sẽ là bàn chân, bàn tay - vị trí xa hệ thần kinh trung ương (não bộ và tủy sống) nhất

Ngoài ra, biến chứng thần kinh còn có các dạng khác như liệt dây thần kinh sọ, teo cơ, tổn thương thần kinh gốc, thần kinh khu trú. Tuy nhiên, tỷ lệ gặp các biến chứng này sẽ ít hơn.

Bệnh tiểu đường gây ra biến chứng thần kinh như thế nào?

Bệnh tiểu đường làm các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng thần kinh bị chít hẹp. Điều này khiến cho các dây thần kinh không được nhận đủ oxy và dưỡng chất. Về lâu dài, đường huyết cao còn trực tiếp làm hư hại bao myelin và sợi trục thần kinh.

Các dây thần kinh bị tổn thương sẽ không thể hoạt động đúng chức năng của mình và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Ngoài ra các yếu tố như huyết áp cao, mắc bệnh lâu năm, tuổi cao, hút thuốc lá, béo phì… cũng làm tăng nguy cơ mắc biến chứng thần kinh.

Dấu hiệu nhận biết biến chứng thần kinh tiểu đường

Mỗi dạng biến chứng thần kinh sẽ có những dấu hiệu, triệu chứng khác nhau.

Biến chứng thần kinh ngoại biên

Với biến chứng thần kinh ngoại biên, bạn có thể nhận biết qua các triệu chứng như:

  • Chân tay tê bì, bỏng rát, châm chích như kim châm, kiến bò.

  • Đau âm ỉ hoặc như dao cắt, đau tăng về đêm, đau khi cọ xát với các vật khác như quần áo, chăn...

  • Giảm hoặc mất cảm giác nhận biết nóng, lạnh.

Tê bì chân tay là dấu hiệu điển hình của biến chứng thần kinh ngoại biên do tiểu đường.

Tê bì chân tay là dấu hiệu điển hình của biến chứng thần kinh ngoại biên do tiểu đường.

Biến chứng thần kinh tự chủ

Các triệu chứng của biến chứng thần kinh tự chủ sẽ thay đổi tùy theo dây thần kinh đó điều khiển hoạt động của cơ quan nào. Ví dụ:

  • Tim mạch: nhịp tim nhanh khi nghỉ (> 100 nhịp/phút). hạ huyết áp khi đứng lên đột ngột, nhồi máu cơ tim không triệu chứng.

  • Tiêu hóa: nuốt nghẹn, đầy bụng, chậm tiêu, ợ chua, buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài.

  • Tiết niệu - sinh dục: rối loạn cương, khô âm đạo, giảm ham muốn, tiểu khó, bí tiểu.

  • Thần kinh vận mạch: da khô ngứa, rụng lông, bong tróc, xuất hiện nhiều vết chai, móng dày cứng.

Ngoài ra, bạn còn có thể gặp các triệu chứng như đau, tê bì, yếu bàn tay (hội chứng ống cổ tay), đau 1 bên hông/mông/đùi, yếu cơ, teo cơ...

Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường có nguy hiểm không?

Không phải ngẫu nhiên mà tất cả bệnh nhân tiểu đường đều được khuyến cáo phải phòng ngừa sớm biến chứng thần kinh. Bởi vì mặc dù biến chứng này không trực tiếp gây tử vong, nhưng có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm khác. Trong đó điển hình nhất là biến chứng bàn chân, gây loét và cắt cụt chân.

Bản thân người bệnh bị biến chứng thần kinh cũng gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống. Như khó sinh hoạt, làm việc bình thường. Người luôn trong tình trạng buồn bực, mất ngủ do đau tăng về đêm. Hoặc đời sống vợ chồng suy giảm.

Xem thêm: Biến chứng bàn chân của bệnh tiểu đường

Bệnh thần kinh do tiểu đường có thể gây loét, nhiễm trùng bàn chân.

Bệnh thần kinh do tiểu đường có thể gây loét, nhiễm trùng bàn chân.

Cách điều trị biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường

Hiện nay chưa có phương pháp nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh thần kinh do tiểu đường. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu vẫn là làm sao phòng ngừa và điều trị biến chứng càng sớm càng tốt. Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Kiểm soát tốt đường huyết bằng thuốc hạ đường huyết (Metformin, Diamicron, Insulin…), ăn uống điều độ, tập thể dục đều đặn.

  • Sử dụng thuốc giảm triệu chứng: Ibuprofen, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống động kinh (giảm đau) thuốc chẹn beta (giảm nhịp tim), thuốc chống táo bón, cầm tiêu chảy, thuốc giãn mạch, thuốc điều trị rối loạn cương dương…

  • Hạn chế các yếu tố nguy cơ làm biến chứng tiến triển nặng: bỏ hút thuốc lá, ăn giảm muối, không ngồi dậy đột ngột…

  • Vật lý trị liệu và tư vấn tâm lý.

​​​​​​​Xem thêm:  Thuốc cương dương cho người tiểu đường bị giảm sinh lý

Làm sao để phòng ngừa bệnh thần kinh do tiểu đường?

Cách tốt nhất để giảm phòng ngừa biến chứng thần kinh là ổn định đường huyết và chăm sóc bàn chân thường xuyên. Và để làm được điều này, bạn cần:

  • Dùng thuốc tiểu đường theo đúng chỉ định.
  • Duy trì lối sống lành mạnh.

  • Kiểm soát tốt huyết áp.

  • Rửa chân sạch sẽ hàng ngày.

  • Dùng tất, giày vừa vặn, không đi chân trần.

  • Khám bàn chân thường xuyên, nếu có bất thường cần đi khám bác sĩ.

Bên cạnh đó, nếu đã dùng Metformin trong một thời gian dài, hãy cân nhắc kiểm tra nồng độ Vitamin B12 trong máu. Vì Metformin có thể làm giảm lượng vitamin B12. Thiếu vitamin B12 cũng có thể gây tổn thương thần kinh.

Xem thêm: Cách chăm sóc bàn chân cho người bệnh tiểu đường

Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường là một biến chứng tiến triển nặng dần theo thời gian. Vì vậy, ngay từ hôm nay, hãy áp dụng ngay các lưu ý trong bài viết để phòng cũng như cải thiện biến chứng này.

Tham khảo: niddk.nih.gov, medicalnewstoday.com