Hiểu rõ bệnh tiểu đường có những biến chứng gì, cách phòng ngừa và điều trị sớm là chìa khóa để sống khỏe hơn khi bị tiểu đường. Bởi phần lớn những người bệnh được điều trị tốt sẽ rất ít bị các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ, suy thận, loét bàn chân. Dưới đây, hãy cùng tìm hiểu các biến chứng thường gặp và cách điều trị để bảo vệ sức khỏe của mình nhé.

Bệnh tiểu đường có thể gây biến chứng trên khắp cơ thể.

Bệnh tiểu đường có thể gây biến chứng trên khắp cơ thể.

Biến chứng tim mạch do tiểu đường

Biến chứng tim mạch là một biến chứng mạn tính nguy hiểm nhất của bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu tăng cao sẽ khiến các mạch máu bị xơ vữa. Trong đó, mạch máu bị ảnh hưởng nhiều nhất là mạch máu nuôi tim (mạch vành).

Điều này sẽ khiến tim phải co bóp, làm việc nhiều hơn để đảm bảo máu được tuần hoàn đi khắp cơ thể. Lâu dần sẽ dẫn đến suy tim hoặc hình thành cục máu đông gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Ngoài ra, những người bị tiểu đường cũng dễ bị mỡ máu, tăng huyết áp. Đây cũng là các yếu tố làm tăng nguy cơ biến chứng tiểu đường trên tim.

Cách điều trị biến chứng tiểu đường trên tim mạch: Khi bị biến chứng tim mạch, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn kiểm soát đường huyết, ăn giảm muối, giảm chất béo “xấu” từ đồ chiên rán, thức ăn nhanh, đồ hộp.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ kê đơn thêm 1 số thuốc điều trị như: thuốc hạ huyết áp, giảm mỡ máu nhóm statin, Aspirin, thuốc chống đông, lợi tiểu… Hoặc bạn có thể phải can thiệp ví dụ như đặt stent hay phẫu thuật bắc cầu tim… nếu thuốc Tây không hiệu quả.

Hiện nay, có 2 loại thuốc thuốc tây chữa bệnh tiểu đường mới là empagliflozinliraglutide đã được chứng minh có thể phòng ngừa biến chứng này. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được sử dụng các loại thuốc này.

Xem thêm: Điểm mặt 5 thuốc chữa bệnh tiểu đường mới nhất

Biến chứng thần kinh tiểu đường

Tê bì chân tay là dấu hiệu của biến chứng thần kinh ngoại biên tiểu đường.

Tê bì chân tay là dấu hiệu của biến chứng thần kinh ngoại biên tiểu đường.

Nếu biến chứng tim mạch tiến triển âm thầm không có triệu chứng thì biến chứng thần kinh tiểu đường lại rất dễ nhận biết. Nhiều người bệnh ngay khi phát hiện mình bị tiểu đường đã có biến chứng này.

Dấu hiệu nhận biết là chân tay tê bì, châm chích, bỏng rát, đau, có cảm giác như kim châm hay kiến bò trên da. Các triệu chứng này thường xuất hiện ở các đầu ngón chân, ngón tay trước. Bởi đây là nơi xa não bộ nhất nên cũng dễ tổn thương nhất.

Cách điều trị biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường: Hiện nay chưa có phương pháp nào có thể phục hồi hoàn toàn hoặc thay thế các dây thần kinh đã bị tổn thương bởi bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể giảm các triệu chứng đến mức không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mình.

Chìa khóa là kiểm soát đường huyết tốt kết hợp với những hoạt chất giảm tổn thương thần kinh như Alpha lipoic acid. Alpha lipoic acid đã được chứng minh có tác dụng giúp giảm đau, giảm tê bì do biến chứng thần kinh hiệu quả. Tại Việt Nam, bạn có thể tìm thấy hoạt chất này trong các sản phẩm hỗ trợ phòng và cải thiện biến chứng tiểu đường.

Nếu bị đau nặng, bác sĩ cũng có thể cho bạn dùng thuốc như acetaminophen, aspirin hoặc ibuprofen, thuốc chống trầm cảm ba vòng. Những thuốc này sẽ giúp bạn giảm cơn đau tốt hơn.

Bệnh thận đái tháo đường

Đường huyết cao có thể phá hủy mạch máu trong cầu thận - hệ thống lọc chất thải tại thận. Điều này khiến thận phải làm việc nhiều hơn, các lỗ lọc dần to ra, xơ hóa và dần suy yếu. Cuối cùng có khoảng 30% người có biến chứng thận do tiểu đường sẽ tiến triển thành suy thận giai đoạn cuối.

Cách điều trị biến chứng tiểu đường trên thận: Nếu xét nghiệm nước tiểu phát hiện có protein (đạm), bác sĩ sẽ yêu cần bạn điều chỉnh chế độ ăn (ăn giảm muối, vừa phải chất đạm) và dùng thuốc huyết áp như nhóm ức chế men chuyển. Điều này sẽ giúp làm chậm tiến triển của bệnh thận và giảm nguy cơ suy thận về sau. Nhưng ở giai đoạn cuối, phương pháp điều trị duy nhất sẽ là lọc máu hoặc ghép thận.

Phòng ngừa và điều trị sớm biến chứng thận là ưu tiên hàng đầu để tránh suy thận.

Phòng ngừa và điều trị sớm biến chứng thận là ưu tiên hàng đầu để tránh suy thận.

Điều trị bệnh thận giai đoạn cuối rất khó khăn. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu vẫn là phòng ngừa và đi xét nghiệm nước tiểu hàng năm để phát hiện sớm từ giai đoạn nhẹ. Nếu bạn bị tiểu đường, ngoài ổn định đường huyết, hãy cố gắng bỏ hút thuốc lá, kiểm soát huyết áp, ăn nhạt hơn. Mẹo nhỏ là bạn nên thật ít muối/ bột canh/ mì chính khi nấu, sau đó khi ăn có thể chấm với nước mắm. Bởi nước mắm khi chấm sẽ chứa ít muối hơn lượng muối dùng lúc nấu ăn.

Bệnh võng mạc tiểu đường

Bệnh tiểu đường có thể gây ra nhiều vấn đề ở mắt như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, phù hoàng điểm. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là bệnh võng mạc tiểu đường. Biến chứng này có 2 giai đoạn chính: chưa tăng sinh và tăng sinh.

Trong giai đoạn chưa tăng sinh, người bệnh chưa có nhiều triệu chứng rõ rệt (chỉ thấy mắt mờ, nhức mắt nhẹ) nên chưa cần điều trị. Nhưng nếu ở giai đoạn tăng sinh (xuất huyết nhiều, có mạch máu mới), bạn sẽ cần điều trị tại chuyên khoa mắt để tránh mất thị lực vĩnh viễn.

Cách điều trị biến chứng mắt của bệnh tiểu đường: Có 3 phương pháp thường được dùng nhất là thuốc tiêm VEGF, laser và phẫu thuật thay thủy tinh thể. Trong đó, phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng để điều trị bệnh võng mạc tăng sinh.

Hiện nay, ngoài các phương pháp Tây Y, sử dụng thảo dược Đông Y đã được ứng dụng để tăng hiệu quả phòng ngừa và điều trị biến chứng mắt. Điển hình như Câu kỷ tử.

Nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí khoa học thực phẩm và dinh dưỡng quốc tế cho thấy, Câu kỷ tử có thể bảo vệ mạch máu tại mắt nhờ ngăn chặn quá trình chuyển đường thành sorbitol. Sorbitol càng nhiều thì nguy cơ tổn thương võng mạc mắt càng cao.

Câu kỷ tử giúp phòng và điều trị biến chứng tiểu đường trên mắt hiệu quả hơn.

Câu kỷ tử giúp phòng và điều trị biến chứng tiểu đường trên mắt hiệu quả hơn.

Rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương có thể xảy ra ở cả những người không bị tiểu đường. Nhưng nếu bị tiểu đường, bạn sẽ có nguy cơ cao hơn. Bởi đường huyết cao có thể làm tổn thương hệ thần kinh tự chủ - “đầu não” kiểm soát khả năng cương cứng.

Để phòng ngừa rối loạn cương, nam giới mắc bệnh tiểu đường cần hạn chế rượu bia, thuốc lá, tăng cường thể dục thể thao, ăn uống và dùng thuốc đúng hướng dẫn. Nhưng khi đã bị rối loạn cương, bác sĩ sẽ chỉ định thêm 1 số giải pháp điều trị khác.

Cách điều trị biến chứng tiểu đường rối loạn cương:  Các thuốc điều trị rối loạn cương dương cho người tiểu đường thường được dùng là sildenafil (Viagra), tadalafil (Cialis, Adcirca), vardenafil (Levitra, Staxyn) hoặc avanafil (Stendra). Những thuốc này sẽ giúp tăng lượng máu đến dương vật, nhờ đó tăng khả năng cương cứng. Tuy nhiên, chúng có thể ảnh hưởng xấu đến tim mạch. Do đó, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng để tránh rủi ro.

Ngoài ra, bác sĩ có thể gợi ý cho bạn sử dụng máy tập dương vật (bơm hút chân không) hoặc phẫu thuật nếu thuốc không hiệu quả.

Loét bàn chân tiểu đường

Loét bàn chân tiểu đường là hậu quả của biến chứng mạch máu, thần kinh và nhiễm trùng. Người bệnh tiểu đường bị tổn thương thần kinh sẽ khó phát hiện các vết thương. Cộng thêm lượng máu đến chân giảm, việc chữa lành sẽ khó khăn hơn. Trong trường hợp nghiêm trọng, vết loét có thể không bao giờ lành, dẫn đến hoại tử và cắt cụt chi.

Loét chân có thể bắt đầu bằng vết chai. Theo thời gian, các vết chai này sẽ bị cọ xát khi chúng ta di chuyển, vỡ ra, để lại vết loét hở. Vì vậy, hãy đi khám bác sĩ nếu bạn thấy xuất hiện nhiều vết chai hoặc có vết thương sâu, lâu lành ở bàn chân.

Cách điều trị biến chứng loét bàn chân do tiểu đường: Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang bàn chân để xác định xem có nhiễm trùng trong xương hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ làm sạch các tế bào chết, dịch mủ, băng bó và kê đơn kháng sinh. Nếu vết thương sâu, bạn sẽ cần nằm viện để theo dõi.

Trong thời gian điều trị, bạn cần đặc biệt chú ý đến đường huyết. Nhiều người bệnh bị loét sẽ phải chuyển sang tiêm insulin tạm thời. Bởi nhiễm trùng sẽ làm đường huyết tăng cao hơn. Mà đường huyết tăng cao, khả năng chữa lành của cơ thể càng giảm.

Chăm sóc bàn chân giúp phòng ngừa sớm biến chứng loét chân do tiểu đường.

Chăm sóc bàn chân giúp phòng ngừa sớm biến chứng loét chân do tiểu đường.

Xem thêm: Hướng dẫn chăm sóc và khám bàn chân cho người tiểu đường

Hạ đường huyết

Hạ đường huyết ở người bệnh tiểu đường thường xảy ra khi dùng quá liều thuốc hạ đường huyết (insulin, diamicron…). Hoặc do người bệnh ăn kiêng quá mức hay tập thể dục quá sức. Các dấu hiệu cảnh báo hạ đường huyết là: tay chân run, chóng mặt, vã mồ hôi, tim đập nhanh, đói, đau đầu, đột ngột cảm thấy tức giận, hoang mang...

Cách điều trị biến chứng hạ đường huyết: Khi bị hạ đường huyết, bạn chỉ xử trí bằng cách ăn ngay thực phẩm chứa khoảng 15g đường. Chẳng hạn như 2 - 3 viên kẹo, 1 cốc nước đường, nửa cốc nước ép trái cây hay 1 trái chuối vừa…

Nếu đường huyết vẫn không tăng trở lại hoặc bạn bị hạ đường huyết nặng gây hôn mê, bác sĩ sẽ tiêm Glucagon để làm tăng đường máu. Nhưng nhìn chung rất hiếm khi, lượng đường trong máu có thể xuống thấp đến mức gây bất tỉnh.

Để phòng ngừa hạ đường huyết, điều quan trọng nhất là bạn cần dùng thuốc theo đúng hướng dẫn, ăn uống khoa học và tập luyện vừa sức. Thay vì nhịn ăn để giảm đường máu hãy chia nhỏ bữa ăn. Hay tập thể dục 10 - 15 phút mỗi lần khoảng 2 - 3 lần/ngày thay vì cố tập 30 - 45 phút liên tục.

Nhiễm toan ceton máu

Biến chứng cấp tính này xảy ra do cơ thể bị thiếu insulin. Khi thiếu insulin, đường trong máu không chuyển thành năng lượng. Bắt buộc cơ thể phải đốt chất béo để tạo năng lượng. Quá trình này sẽ tạo ra ceton gây nhiễm toan máu.

Dấu hiệu nhận biết nhiễm toan ceton đặc trưng nhất là hơi thở có mùi trái cây lên men. Ngoài ra, bạn sẽ cảm thấy khát, khô miệng, da khô hoặc đỏ ửng, tiểu nhiều, buồn nôn…

Cách điều trị biến chứng nhiễm toan ceton: Nhiễm toan ceton là 1 biến chứng cấp tính nghiêm trọng thường gặp ở những người tiểu đường type 1tiểu đường type 2 lâu năm. Khi nghi ngờ bị nhiễm toan ceton, bạn buộc phải đến bệnh viện để được xét nghiệm máu và nước tiểu. Nếu phát hiện ceton, bác sĩ sẽ cho bạn tiêm insulin và truyền dịch qua đường tĩnh mạch để tránh hôn mê.

Ngoài các biến chứng kể trên, bệnh tiểu đường còn có thể gây ra nhiều biến chứng khác. Ví dụ như biến chứng ở da, nhịp tim nhanh khi nghỉ, liệt dạ dày… Các biến chứng này đều có cách điều trị giảm nhẹ. Do đó, nếu nghi ngờ mình đã bị biến chứng, đừng ngại trao đổi với bác sĩ của bạn. Bác sĩ sẽ căn cứ vào sức khỏe của bạn để đưa ra phương án điều trị biến chứng tiểu đường phù hợp nhất.

Tham khảo: mayoclinic.org, virginiamason.org