Chế độ ăn được đánh giá là giải pháp điều trị bệnh tiểu đường quan trọng như thuốc. Tuy nhiên không ít người bệnh tiểu đường vẫn chưa thực sự biết bản thân nên chọn thực phẩm nào, không chọn thực phẩm nào. Với danh sách thực phẩm trong bài viết sau, bạn sẽ chẳng còn phải đau đầu bệnh tiểu đường nên ăn gì kiêng gì mà vẫn chẳng lo đường huyết tăng cao.

Chế độ ăn có vai trò đặc biệt quan trọng với người bệnh tiểu đường, đặc biệt là tuýp 2

Hầu hết lượng đường trong máu của chúng ta đến từ thức ăn nên nếu chế độ ăn uống không hợp lý, đường huyết rất khó giảm. Thế nhưng đường vẫn là nguồn nguyên liệu tạo năng lượng chính của cơ thể. Khi bạn ăn uống quá kiêng khem, đường huyết giảm nhưng cơ thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu dinh dưỡng. Điều này có thể khiến bạn “mất nhiều hơn được”.

Vì vậy, trong các hướng dẫn điều trị Đái tháo đường mới, các bác sĩ đều khuyến cáo người bệnh tiểu đường chỉ cần ăn hạn chế một số loại thực phẩm, không cần phải kiêng cữ quá mức. Nguyên tắc cốt lõi là phải đảm bảo cân bằng giữa việc ổn định đường huyết và dinh dưỡng của cơ thể.

Người bệnh tiểu đường nên ăn gì?

Người bệnh tiểu đường nên ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thực phẩm (GI) thấp. GI là chỉ số đánh giá tốc độ làm tăng đường máu của thực phẩm. Những thực phẩm này vừa giàu dinh dưỡng, vừa không làm cho đường máu sau ăn tăng cao. Cụ thể:

Nhóm cơm, tinh bột

Thực phẩm tốt nhất trong nhóm này là ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu đỗ. Ngũ cốc nguyên hạt là ngũ cốc còn nguyên vẹn lớp vỏ cám như gạo lứt, yến mạch. Mặc dù vẫn chứa nhiều tinh bột nhưng lại loại ngũ cốc này lại có kèm theo chất xơ. Nhờ đó, giúp bạn vừa có cảm giác no mà đường huyết sau ăn không tăng quá cao.

Bạn có thể sử dụng các loại ngũ cốc này để thay thế cơm trắng trong các bữa ăn hàng ngày. Trường hợp chưa quen ăn, việc đan xen giữa cơm trắng với ngũ cốc nguyên hạt cũng là một lựa chọn tốt để giảm đường huyết hiệu quả hơn.

Gạo lứt là một loại tinh bột tốt có thể thay thế cho cơm trắng

Gạo lứt là một loại tinh bột tốt có thể thay thế cho cơm trắng

Nhóm thịt cá

Protein trong thịt cá khi được ăn cùng tinh bột sẽ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, nên giúp hạn chế nguy cơ tăng đường máu sau ăn. Chưa kể đến nhiều thực phẩm trong nhóm này còn chứa chất béo tốt như omega - 3 giúp người bệnh tiểu đường hạn chế nguy cơ biến chứng tim mạch.

Những thực phẩm bạn nên ăn trong nhóm này là cá, thịt gia cầm bỏ da (thịt gà), thịt đỏ bỏ mỡ (thịt bò, thịt lợn…). Riêng với cá, các chuyên gia khuyến cáo người bị tiểu đường nên ăn tối thiểu 2 lần mỗi tuần. Nếu bị tăng acid uric (Gout), bạn nên thay thế các loại cá biển (cá hồi, cá ngừ) bằng cá nước ngọt như cá đồng.

Nhóm chất béo

Nhiều người bệnh tiểu đường được khuyên kiêng hoàn toàn chất béo. Tuy nhiên điều này hoàn toàn sai lầm. Vẫn có những thực phẩm chứa chất béo tốt, vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa không ảnh hưởng đến đường huyết. Điển hình là dầu vừng, cá béo, dầu oliu, dầu đậu nành.

Nhóm rau củ

Người bệnh tiểu đường có thể ăn hầu hết và nên ăn nhiều các thực phẩm thuộc nhóm này. Tuy nhiên nên ưu tiên các loại rau lá xanh. Với các loại củ thì nên ăn cà rốt, bí đỏ, cà chua, khoai lang, khoai mì (sắn) hơn là khoai tây. Bởi các loại củ này mặc dù chứa tinh bột nhưng chỉ số đường huyết GI không quá cao. Tốt nhất, bạn nên ăn lượng rau củ có thể lấp đầy hai lòng bàn tay chụm lại.

Người bệnh tiểu đường nên ăn nhiều rau lá xanh với lượng lấp đầy 2 lòng bàn tay

Người bệnh tiểu đường nên ăn nhiều rau lá xanh với lượng lấp đầy 2 lòng bàn tay

Trái cây, hoa quả

Loại trái cây tốt nhất cho người bệnh tiểu đường là trái cây họ cam quýt và các loại quả mọng. Ví dụ như cam, bưởi, thanh long, ổi, dâu tây, việt quất, kiwi. Để tránh đường trong trái cây gây tăng đường huyết, bạn nên ăn trái cây vào các bữa phụ và mỗi lần chỉ ăn lượng trái cây nắm đủ trong lòng bàn tay.

Đồ uống, sữa

Người bệnh tiểu đường nên chọn nước lọc, trà thảo mộc và sữa ít béo ít đường. Những loại đồ uống này không chỉ chứa ít đường, nhiều loại trà (trà xanh, trà quế) còn giàu chất chống oxy hóa, giúp giảm đường huyết hiệu quả.

Người bệnh tiểu đường nên kiêng gì?

Người bệnh tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 hiện nay không phải ăn kiêng quá nhiều như trước. Tuy nhiên nếu đường huyết đang cao, bạn vẫn nên ăn giảm bớt những thực phẩm sau:

  • Giảm lượng cơm, bánh mì, bún, miến, bánh bao, sắn, khoai nướng trong mỗi bữa.
  • Hạn chế bớt các thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu như mỡ, phủ tạng, da động vật và thức ăn nhanh.
  • Ăn giảm đồ nhiều đường tinh luyện như bạn kẹo, kem, mứt, siro.
  • Không ăn thường xuyên các loại hoa quả sấy khô, trái cây rất ngọt như mít, sầu riêng, vải chín, nhãn…
  • Giảm bớt các đồ uống không có lợi như nước ngọt có gas, rượu bia. Rượu bia không dùng quá 2 lon bia tương đương khoảng 2 - 3 chén rượu mạnh một ngày. Cà phê có thể uống nhưng chỉ uống khoảng 1 ly/ngày.

Khi đường huyết tăng cao, người bệnh tiểu đường nên kiêng ăn bánh kẹo ngọt

Khi đường huyết tăng cao, người bệnh tiểu đường nên kiêng ăn bánh kẹo ngọt

Một số lưu ý khác trong chế độ ăn cho người tiểu đường

Bên cạnh cá gợi ý bệnh tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì kể trên, bạn nên áp dụng thêm các lưu ý dưới đây. Những lưu ý này sẽ giúp bạn dễ dàng xây dựng thực đơn hàng ngày hơn. Đặc biệt là giúp bạn đỡ phải ăn uống quá kiêng khem hay loại bỏ hoàn toàn những món ăn yêu thích của mình. Các lưu ý này bao gồm:

  • Luôn bắt đầu bữa ăn với 1 bát rau luộc. Việc ăn rau luộc trước khi ăn cơm và thức ăn sẽ tạo ra 1 “lớp lót giàu chất xơ” trong hệ tiêu hóa. Lớp lót này sẽ làm chậm quá trình hấp thu đường và hấp thu chất béo xấu vào máu.
  • Chia khẩu phần ăn để bữa sáng, bữa trưa nhiều hơn bữa tối. Bởi bữa sáng bữa trưa là những thời gian mà bạn hoạt động nhiều hơn, đốt đường nhiều hơn.
  • Ăn bữa phụ giữa ngày: Nhiều người bệnh tiểu đường lo lắng ăn nhiều bữa sẽ khiến đường huyết tăng cao. Nhưng họ lại thường bị đói, thậm chí hạ đường huyết giữa ngày. Về ngắn hạn, điều này sẽ kích thích người bệnh ăn nhiều hơn trong bữa chính. Lâu dài có thể gây stress trong cơ thể và làm tăng nguy cơ biến chứng tiểu đường. Vì vậy, giữa buổi, hãy tự thưởng cho mình 1 bát salad rau, 1 chén nhỏ hoa quả với sữa chua ít đường hoặc 1 ly sữa cho người tiểu đường.
  • Ăn chậm, đúng giờ, không nhịn ăn, không để cơ thể quá đói hoặc quá no.

Chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường sẽ cần kiểm soát chặt chẽ hơn chế độ ăn của người khỏe mạnh. Thế nhưng, nếu biết bệnh tiểu đường nên ăn gì kiêng gì và kết hợp với các lưu ý trên, bạn sẽ sớm thoát khỏi tình trạng đau đầu không biết ăn gì trước mỗi bữa. Và để kiểm soát tiểu đường hiệu quả hơn, bạn đừng quên các giải pháp điều trị khác như thuốc, tập luyện hay các sản phẩm hỗ trợ nhé.

Tham khảo:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-diet/art-20044295

https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/diet-eating-physical-activity

https://www.healthline.com/nutrition/16-best-foods-for-diabetics

http://www.diabetes.org/food-and-fitness/food/what-can-i-eat/

https://www.medicinenet.com/diabetic_diet_for_type_2_diabetes/article.htm