Theo nghiên cứu mới trên tạp chí Y khoa Diabetologia, mỗi 10cm chiều cao tăng thêm, nam giới giảm được 41%, nữ giới giảm 33% nguy cơ mắc tiểu đường type 2.

Những người có chiều cao khác nhau sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường khác nhau.

Những người có chiều cao khác nhau sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường khác nhau.

Nghiên cứu này là công trình của các nhà khoa học từ Viện Dinh dưỡng Con người Đức Potsdam-Rehbrücke và Trung tâm Nghiên cứu Bệnh tiểu đường Đức. Các nhà nghiên cứu đã thu thập hồ sơ bệnh án của 27.548 người từ năm 1994 - 1998. Trong đó, có 16.644 người là nữ trong độ tuổi 35 - 65 và 10.904 người là nam từ 40 - 65 tuổi.

Tại sao người cao có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 thấp hơn?

Theo các nhà nghiên cứu, có 3 nguyên nhân dẫn đến chiều cao và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 tỷ lệ nghịch với nhau.

Đầu tiên, những người cao có ít nguy cơ bị gan nhiễm mỡ hơn. Gan là cơ quan quan trọng trong quá trình chuyển hóa đường, vừa có chức năng dự trữ, vừa góp phần tạo ra đường trong máu. Khi gan bị nhiễm mỡ, quá trình chuyển hóa đường có thể bị rối loạn và khiến lượng đường trong máu tăng cao.

Tiếp đến, độ nhạy của hormone insulin và khả năng insulin của tuyến tụy ở người cao cũng tốt hơn. Đặc biệt ở nữ giới, chiều cao còn liên quan đến hoạt động của adiponectin và protein phản ứng C. Adiponectin là một hormone ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu và protein phản ứng C là một dấu hiệu của viêm. Phản ứng viêm tăng sẽ làm tăng đường huyết.

Bên cạnh đó, ở người cao, các nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như huyết áp cao, mỡ máu… cũng thấp hơn. Đây cũng là các yếu tố dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.

Người cao sẽ có nguy cơ bị tiểu đường type 2 thấp hơn.

Người cao sẽ có nguy cơ bị tiểu đường type 2 thấp hơn.

Cách giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2

Mặc dù nghiên cứu đã cho thấy, chiều cao là 1 dấu hiệu hữu ích để dự đoán nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Và các bậc cha mẹ nên chú ý đến vấn đề phát triển chiều cao cho con ngay từ giai đoạn mang thai, thơ ấu và dậy thì. Tuy nhiên, bản thân những người có chiều cao thấp hơn vẫn có thể giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cho mình bằng cách:

  • Duy trì chế độ ăn lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây tươi, ít đồ chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đóng hộp.

  • Giữ cân nặng trong mức cho phép, nếu chỉ số khối cơ thể BMI ( = cân nặng (kg) : chiều cao (m) : chiều cao (m)) trên 23, bạn nên có kế hoạch giảm cân.

  • Tập thể dục hàng ngày, mỗi ngày 30 phút.

  • Hạn chế bia rượu, thuốc lá.

  • Ngủ đủ giấc, uống đủ nước mỗi ngày.

  • Bố trí công việc và thời gian nghỉ ngơi hợp lý để tránh căng thẳng, stress.

Ngoài ra, hàng năm, nên có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ 6 - 12 tháng 1 lần. Điều này sẽ giúp phát hiện sớm những bất thường về sức khỏe. Riêng với đường huyết, nếu phát hiện sớm từ giai đoạn đường huyết chớm cao (tiền tiểu đường), khả năng chữa khỏi sẽ cao hơn.

Xem thêm: Tiền tiểu đường là gì?

 

Tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/326318.php