Câu trả lời của ThS.BS Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Khám, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn:
Chào bạn,
Hạ đường huyết lúc ngủ khá nguy hiểm, bởi vì người bệnh đang không tỉnh táo nên không biết mình bị hạ đường huyết. Trường hợp xấu nhất là khi đường huyết thấp quá, người bệnh có thể bị hôn mê và không tỉnh lại nữa.
Về câu hỏi của bạn: Chỉ số đường huyết bao nhiêu dễ bị hạ đường huyết lúc ngủ thì câu trả lời là dưới 4.2 mmol/l (4 phẩy), bạn đã có nguy cơ bị hạ đường huyết rồi. Tuy nhiên, với mỗi người bệnh thì chỉ số này là khác nhau. Có người dưới 5 phẩy đã cảm thấy rất mệt mỏi rồi, còn có người họ quen với mức đường huyết cao thì có thể là dưới 6 phẩy.
Về dấu hiệu nhận biết hạ đường huyết lúc ngủ thì tình trạng này có biểu hiện không rõ ràng. Tuy nhiên, thường người bệnh sẽ có cảm giác rất mệt mỏi, uể oải vào sáng hôm sau, chỗ nằm ẩm ướt do vã mồ hôi nhiều.
Để khắc phục tình trạng hạ đường huyết này, đầu tiên, bạn có thể uống thêm 1 cốc sữa trước khi đi ngủ. Thứ 2, nếu bạn phải tiêm mũi tiêm buổi tối hoặc uống thuốc trước khi đi ngủ thì cần đi khám lại để bác sĩ điều chỉnh liều hoặc thời gian sử dụng cho phù hợp.
Chúc bạn và gia đình thật nhiều sức khỏe!