Tôi đi khám thì có kết quả xét nghiệm máu là 7.6 mmol/l thì đã bị tiểu đường chưa? Mong bác sĩ tư vấn mức độ nguy hiểm của bệnh này.
Trả lời:

Chào bạn,

Để chẩn đoán tiểu đường cần dựa vào các chỉ số xét nghiệm sau:

1/ Chỉ số đường huyết lúc đói: > 7 mmol/l

2/ Chỉ số đường huyết sau 2 giờ thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường: > 11 mmol/l

3/ Chỉ số HbA1C > 6.5%

4/ Chỉ số đường huyết ở thời điểm bất kỳ: > 11 mmol/l

Một người được kết luận là bị tiểu đường khi đạt từ 2 trong 4 tiêu chí trên, hoặc là 1 tiêu chí nhưng cần thực hiện lặp lại hai lần. Tiêu chí thứ tư chỉ được thực hiện một lần duy nhất.

Dựa vào tiêu chuẩn trên có thể thấy, nếu chỉ số đường huyết 7.6 mmol/l được đo vào thời điểm lúc đói thì là cao hơn bình thường. Tuy nhiên có chắc chắn bị tiểu đường hay không, bạn cần phải kiểm tra lại một lần nữa hoặc là kiểm tra thêm các chỉ số khác.

Tiểu đường là bệnh mạn tính gây khá nhiều nguy hiểm đến sức khỏe con người. Một người tiểu đường có thể giảm trung bình từ 6 năm tuổi thọ. Khi bị tiểu đường, bạn cũng dễ dàng mắc các bệnh khác như tim mạch, mỡ máu cao, huyết áp cao, gút… Sự kết hợp của nhiều bệnh có thể hình thành các cơn đột quỵ, hôn mê và rút ngắn hơn tuổi thọ. Ngoài ra, các biến chứng khác của tiểu đường trên mắt, thận, bàn chân cũng rất nguy hiểm, có thể gây mù lòa, suy thận, cắt cụt chi, tàn phế... 

Do đó, tất cả các bệnh nhân tiểu đường cần phải điều trị tích cực, giữ đường máu ở lúc đói dưới 7 mmol/l, sau ăn là dưới 11 mmol/l và HbA1C là 7%. Bạn càng kiểm soát tốt, biến chứng càng nhẹ và ít ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.

Trong điều trị tiểu đường, 3 giải pháp luôn phải được đồng hành cùng bệnh nhân, đó là chế độ ăn uống, tập luyện và sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ.

Chúc bạn nhiều sức khỏe