Biến chứng thần kinh ngoại biên của bệnh tiểu đường có thể dẫn đến tê bì tay chân, là một biến chứng phổ biến có thể gặp ở 60 - 70% bệnh nhân tiểu đường. Vậy biến chứng thần kinh ngoại biên của bệnh tiểu đường nguy hiểm thế nào? Người bệnh cần điều trị ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Nhiều người tiểu đường bị biến chứng thần kinh ngoại biên

Nhiều người tiểu đường bị biến chứng thần kinh ngoại biên

Nguyên nhân gây biến chứng thần kinh ngoại biên của bệnh tiểu đường

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến biến chứng thần kinh ngoại biên ở người bệnh tiểu đường là do tổn thương mạch máu nuôi dưỡng dây thần kinh và tổn thương trực tiếp tế bào thần kinh.

Theo ThS. BS Nguyễn Huy Cường - Nguyên Phó trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung Ương, cơ chế gây tổn thương thần kinh ngoại biên ở các bệnh nhân tiểu đường chưa được tìm hiểu rõ hoàn toàn, có thể do:

  • Lượng đường trong máu cao kéo dài gây tổn thương, tắc hẹp các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng dây thần kinh. Khi dây thần kinh không được nuôi dưỡng đầy đủ có thể dẫn đến tình trạng thoái hóa.
  • Đường máu cao đồng thời cũng sản sinh ra các sản phẩm chuyển hóa độc hại có tính oxy hóa mạnh, gây độc đến các tế bào thần kinh, làm tổn thương sợi trục thần kinh và ảnh hưởng đến tốc độ dẫn truyền tín hiệu thần kinh. Và nếu tổn thương trên 50% số sợi trục bị tổn thương, khả năng hồi phục biến chứng thần kinh ngoại biên do tiểu đường là không thể.

Nguyên nhân biến chứng thần kinh ngoại biên của bệnh tiểu đường

Nguyên nhân biến chứng thần kinh ngoại biên của bệnh tiểu đường

Dấu hiệu nhận biết tiểu đường biến chứng thần kinh ngoại biên

Tổn thương thần kinh ngoại biên có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi bệnh nhân tiểu đường. Các dấu hiệu nhận biết thường gặp bao gồm:

  • Tê bì tay chân: Là dấu hiệu điển hình nhất của biến chứng thần kinh ngoại biên do tiểu đường. Người bệnh miêu tả cảm giác tê bì như kiến bò hoặc châm chích như kim châm trên da. Tê bì xảy ra chủ yếu ở bàn chân, cẳng chân, bàn tay và cánh tay. Nhiều trường hợp tê bì tăng nặng về đêm khiến người bệnh rất dễ mất ngủ.
  • Đau nhói, bỏng rát tay chân: Cảm giác nóng ran ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc các ngón tay chân. Người bệnh có cảm giác đau rát, có thể kéo dài hoặc hoặc xuất hiện từng đợt, không đáp ứng điều trị với thuốc giảm đau thông thường.
  • Mất cảm giác: Đây là dấu hiệu của tê liệt hoàn toàn dẫn truyền thần kinh, khiến người bệnh mất hoàn toàn khả năng cảm nhận đau, cảm nhận cảm giác nóng, lạnh. Trong giai đoạn này, người bệnh rất dễ té ngã hoặc có các vết thương hở ngoài da. Tuy nhiên, vì bị mất cảm giác, người bệnh không phát hiện ra vết thương, để vết thương bị nhiễm trùng dẫn đến nguy cơ hoại tử, loét bàn chân thậm chí là cắt cụt chân rất nguy hiểm.
  • Một số triệu chứng khác: Chuột rút, yếu cơ, mất cân bằng, dễ té ngã… 

Bác sĩ tư vấn về biến chứng thần kinh ngoại biên của bệnh tiểu đường

Biến chứng thần kinh ngoại biên của bệnh tiểu đường có nguy hiểm không?

Biến chứng thần kinh ngoại biên của bệnh tiểu đường ít khi gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, bắt buộc cắt cụt chân.

Tổn thương thần kinh có thể gây mất cảm giác ở chân, do đó, ngay cả các vết thương nhỏ cũng có thể dẫn đến vết loét mà người bệnh không hề hay biết. Nhiễm trùng nghiêm trọng có thể lan đến xương, dẫn đến chết mô, hoại tử. Nếu như không đoạn chi (cắt đoạn chân bị nhiễm trùng), người bệnh có thể tử vong do nhiễm trùng cấp.

Điều trị nhiễm trùng bàn chân, loét bàn chân ở người bệnh tiểu đường cũng vô cùng khó khăn do các mạch máu và dây thần kinh nuôi dưỡng vết thương đã bị tắc hẹp. Các chất dinh dưỡng, kháng sinh, thuốc điều trị rất khó để di chuyển đến vùng bị tổn thương. Do đó, nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ có vết xước nhỏ cũng cần điều trị tại bệnh viện để tránh cắt cụt chân do tiểu đường.

Điều trị biến chứng thần kinh ngoại biên do tiểu đường

Hiện nay chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn biến chứng thần kinh do tiểu đường. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể áp dụng các phương pháp để giảm nhẹ triệu chứng tê bì, đau, nóng rát để đảm bảo chất lượng sống tốt nhất.

Sử dụng thảo dược hỗ trợ giảm biến chứng thần kinh ngoại biên do tiểu đường

Sử dụng thảo dược hỗ trợ giảm biến chứng thần kinh ngoại biên do tiểu đường

Một số biện pháp cải thiện biến chứng thần kinh ngoại biên do tiểu đường như sau:

  • Kiểm soát đường huyết, HbA1c ở ngưỡng an toàn (thông thường là đường huyết < 7 mmol/l, HbA1c < 7%).
  • Sử dụng một số thuốc giảm đau thần kinh: Thuốc chống động kinh (Pregabalin, Gabapentin…), thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Amitriptylin, desipramine…), thuốc giảm đau tramadol, oxycodone. Tuy nhiên hầu hết các thuốc giảm đau này không thể sử dụng lâu dài.      
  • Giảm đau tại chỗ: Miếng dán tẩm lidocain, kem thoa capsaicin…
  • Sử dụng Alpha lipoic acid: Là một hợp chất hữu cơ chống oxy hóa mạnh, dùng để trung hòa các chất chuyển hóa độc hại, bảo vệ tế bào thần kinh, từ đó giúp giảm các triệu chứng gây ra do biến chứng thần kinh ngoại biên tiểu đường (tê bì, nóng rát, đau). 
  • Sử dụng thảo dược bảo vệ tế bào thần kinh: Một số dược liệu Câu kỷ tử, Nhàu, Hoài sơn, Mạch môn cũng có tác dụng chống oxy hóa mạnh, đồng thời chống viêm, giảm tổn thương thần kinh cũng được sử dụng rộng rãi trong hỗ trợ điều trị biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường.
  • Hạn chế một số thói quen xấu: Sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, thức khuya nhiều…

Việc phát hiện và điều trị sớm biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường là cần thiết để giảm thiểu các biểu hiện tê bì, nóng rát tay chân, chuột rút, yếu cơ, mất cảm giác… Nếu bạn còn băn khoăn nào cần giải đáp, vui lòng liên hệ chuyên gia theo số:

 

Nguồn tham khảo:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetic-neuropathy/symptoms-causes/syc-20371580 

https://www.webmd.com/diabetes/peripheral-neuropathy-risk-factors-symptoms 

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK442009/