Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể như mắt, tim mạch... Biến chứng mắt của bệnh tiểu đường mặc dù ít ảnh hưởng đến tính mạng nhưng vẫn cực kỳ nguy hiểm. Để hiểu rõ hơn về tác động của bệnh tiểu đường đối với mắt cũng như phương pháp điều trị, phòng ngừa hiệu quả, hãy cùng hotangduong.co theo dõi bài viết dưới đây. 

Biến chứng mắt của bệnh tiểu đường: Nguy cơ suy giảm thị lực nhanh chóng

Biến chứng mắt của bệnh tiểu đường: Nguy cơ suy giảm thị lực nhanh chóng

Bệnh tiểu đường gây biến chứng mắt như thế nào?

Bệnh tiểu đường đặc trưng bởi tình trạng thiếu hụt insulin do tế bào beta của đảo tụy không thể sản xuất hoặc sản xuất không đầy đủ. Thiếu hụt insulin dẫn đến tích tụ đường trong máu và gây tăng đường huyết. Nồng độ đường máu cao trong thời gian dài làm tổn thương, phá hủy thành các mao mạch li ti ở đáy mắt. Thành mạch bị tổn thương khiến dịch trong lòng mạch thoát ra bên ngoài. Điều này gây nên hiện tượng xuất huyết, phù nề ở mắt. 

Hậu quả thường thấy của các biến chứng mắt của bệnh tiểu đường là suy giảm thị lực, mờ mắt hoặc mù lòa nếu không điều trị kịp thời. Dưới đây là một số biến chứng phổ biến và nguy hiểm nhất.

Bệnh võng mạc tiểu đường

Bệnh võng mạc tiểu đường (võng mạc đái tháo đường) là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thị lực, mù lòa ở người bệnh tiểu đường.

Cơ chế của bệnh võng mạc tiểu đường (võng mạc đái tháo đường)

Cơ chế của bệnh võng mạc tiểu đường (võng mạc đái tháo đường)

Trong giai đoạn đầu các mạch máu có thể yếu đi, phồng lên hoặc gây rò rì dịch vào võng mạc được gọi là bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, các mạch máu mới phát triển hoặc tăng sinh trên bề mặt võng mạc. Các mạch máu mới bất thường có thể gây sẹo trên võng mạc dẫn đến mất thị lực. Giai đoạn này gọi là bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh. 

Theo đó, nếu phát hiện sớm biến chứng võng mạc tiểu đường ở giai đoạn mạch máu chưa tăng sinh, người bệnh có thể giảm đến 95% nguy cơ mù lòa. 

Bệnh phù hoàng điểm do tiểu đường

Phù hoàng điểm là biến chứng về mắt thường gặp ở người bệnh tiểu đường. Đường huyết cao khiến các mạch máu vùng trung tâm võng mạc bị tổn thương gây rò rỉ dịch và phù hoàng điểm, làm suy giảm thị lực trung tâm.

Theo thời gian, bệnh có thể ảnh hưởng đến tầm nhìn của mắt dẫn đến mất thị lực hoặc mù lòa.

Bệnh tăng nhãn áp

Đây là một nhóm bệnh về mắt có thể làm tổn thương dây thần kinh thị giác. Bệnh tiểu đường có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ bị tăng nhãn áp so với người bình thường. Bệnh có thể gây mất thị lực một phần hoặc mù lòa nếu không được điều trị sớm.

Đục thủy tinh thể

Ở người bình thường, thủy tinh thể có xu hướng trở nên mờ đục khi con người già đi, đặc biệt là độ tuổi từ 40-50 trở lên. 

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng lượng đường huyết cao trong thời gian dài làm tích tụ các chất cặn trong thủy tinh thể. Điều này khiến những người bệnh tiểu đường có khả năng bị đục thủy tinh thể ở độ tuổi sớm hơn so với người bình thường. 

Các triệu chứng của biến chứng mắt tiểu đường

Trong thời gian đầu khi các biến chứng ở mắt mới xuất hiện thường không gây đau hay ảnh hưởng quá nhiều tới thị lực người bệnh. Các tổn thương này thường phát triển bên trong mắt, đặc biệt là bệnh võng mạc tiểu đường. 

Những triệu chứng của biến chứng mắt tiểu đường có thể bao gồm:

- Giảm thị lực. Mắt nhìn mờ, khó nhìn hơn, cảm giác như có màn sương trước mắt hoặc mỏi mắt khi nhìn tập trung.

- Nhìn thấy các đốm đen hoặc chuỗi sẫm màu trôi nổi ở trước mắt. 

- Nhạy cảm hơn với ánh sáng. Có thể có các tia sáng lóe lên, các lỗ hổng trong tầm nhìn.

- Xuất hiện các vùng tối, thường là ở trung tâm tầm nhìn.

- Thay đổi tầm nhìn, tầm nhìn ban đêm kém.

- Suy giảm khả năng nhận biết màu sắc.

Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp các biểu hiện khác như: Mắt đỏ, xuất hiện đau đầu, nôn hoặc buồn nôn. 

Người bệnh tiểu đường có thể nhìn thấy đốm đen trôi nổi như ruồi bay

Điều trị biến chứng mắt tiểu đường

Mỗi bệnh nhân gặp các biến chứng khác nhau sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Các bác sĩ có thể sử dụng một hoặc kết hợp một số phương pháp điều trị gồm thuốc, điều trị bằng laser, phẫu thuật.

Thuốc

Các biến chứng mắt của bệnh tiểu đường, đặc biệt là biến chứng võng mạc có thể điều trị bằng thuốc anti VEGF như aflibercept, bevacizumab, ranibizumab,... Cơ chế của thuốc là  ngăn sự phát triển của mạch máu bất thường trong mắt. Thuốc anti VEGF cũng có thể ngăn chặn các dịch bị rò rỉ, điều trị phù hoàng điểm do tiểu đường.

Thuốc Anti VEGF dùng để điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường

Thuốc Anti VEGF dùng để điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường

Các loại thuốc này có thể giúp tình trạng mất thị lực không trở nên nặng nề hơn hoặc cải thiện thị lực ở người bệnh. Một số thuốc tra mắt, thuốc uống làm giảm áp lực khác được dùng cho người bệnh tăng nhãn áp.

Điều trị bằng laser

Phương pháp này bịt kín các mạch máu bị rò rì dịch giảm tình trạng phù nề, tiêu diệt các mạch máu mới được sinh ra. Điều trị bằng laser có thể giữ cho bệnh mắt ở người tiểu đường không trở nên tồi tệ hơn, ngăn ngừa mất thị lực hoặc mù lòa. 

Có hai loại điều trị bằng laser:

- Điều trị bằng laser tiêu điểm/ lưới hoạt động trên một vùng nhỏ của võng mạc. Phương pháp này được sử dụng để điều trị phù hoàng điểm do tiểu đường.

- Điều trị bằng laser phân tán hay còn được gọi là quá trình quang đông. Phương pháp này bao phủ một vùng lớn hơn của võng mạc giúp điều trị sự phát triển của các mạch máu bất thường. Điều trị bằng laser phân tan được chỉ định cho bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh.

Phẫu thuật loại bỏ dịch thủy tinh

Đây là phẫu thuật loại bỏ dịch trong suốt lấp đầy trung tâm của mắt. Phẫu thuật này điều trị tình trạng chảy máu nghiêm trọng hay mô sẹo do bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh gây ra. 

Phẫu thuật thay thủy tinh thể

Phẫu thuật này sẽ loại bỏ thủy tinh thể bị đục trong mắt và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo. Thay thủy tinh thể giúp bệnh nhân có thể nhìn rõ hơn.

Phòng ngừa biến chứng mắt của bệnh tiểu đường

Kiểm soát đường huyết giúp phòng ngừa biến chứng mắt của bệnh tiểu đường

Kiểm soát đường huyết giúp phòng ngừa biến chứng mắt của bệnh tiểu đường

Phương pháp phòng biến chứng mắt tốt nhất ở người bệnh tiểu đường là tuân thủ điều trị, kiểm soát lượng đường huyết. Thay đổi lối sống, bổ sung thêm các thực phẩm có lợi cho bệnh tiểu đường là bước đệm đầu giúp người bệnh duy trì sức khỏe, giảm nguy cơ mắc các biến chứng.

- Dùng thuốc điều trị tiểu đường đúng theo chỉ dẫn.

- Theo dõi lượng đường trong máu hằng ngày. Kiểm tra và ghi lại đường huyết ít nhất 2 lần mỗi ngày.

- Xét nghiệm HbA1c tối thiểu 3 tháng/ 1 lần. Chỉ số HbA1C lý tưởng nhất là dưới 6,5%.

- Kiểm soát huyết áp và cholesterol trong máu. Sử dụng thuốc hạ áp và kiểm soát mỡ máu nếu có. Ăn thực phẩm tốt cho mắt, tập luyện thể dục thể thao đều đặn.

- Bỏ thuốc lá. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh tiểu đường, trong đó có biến chứng của mắt.

- Chú ý đến những thay đổi về thị lực.

Biến chứng mắt trên người bệnh tiểu đường mặc dù không nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng gây nhiều ảnh hưởng, rối loạn đến cuộc sống hàng ngày. Tuân thủ điều trị, chủ động phòng tránh sẽ giúp thị lực được duy trì tốt hơn, ngăn cản nguy cơ mù lòa cho người bệnh tiểu đường.

Tài liệu tham khảo: hindawi.com, mayoclinic.org