Theo thời gian, bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương võng mạc, làm giảm thị lực. Nếu không điều trị sớm, biến chứng này có thể dẫn tới mù lòa vĩnh viễn. Sau đây là 8 điều bạn nên biết về bệnh võng mạc tiểu đường giúp phòng ngừa sớm biến chứng này.

Không chỉ gây biến chứng trên tim, tiểu đường còn gây biến chứng trên võng mạc.

Bệnh võng mạc tiểu đường là gì?

Bệnh võng mạc tiểu đường hay bệnh võng mạc đái tháo đường là dạng biến chứng mắt của bệnh tiểu đường phổ biến và dễ gây mù lòa nhất. Biến chứng này ảnh hưởng đến cách mạch máu nhỏ ở võng mạc (lớp mô có vai trò thu nhận và chuyển ánh sáng thành hình ảnh báo về não bộ).

Ngoài bệnh võng mạc, tiểu đường có thể gây ra nhiều biến chứng khác trên mắt. Ví dụ như:

  • Đục thủy tinh thể: Bệnh tiểu đường sẽ làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể gấp 2 - 5 lần. Đồng thời, người bệnh cũng sẽ dễ mắc biến chứng này ở độ tuổi trẻ hơn.
  • Glaucoma (thiên đầu thống, cườm nước): Nguy cơ mắc biến chứng này ở người tiểu đường cao gấp 2 lần người khỏe mạnh.

Triệu chứng bệnh võng mạc tiểu đường

Bệnh võng mạc tiểu đường thường phát triển qua 2 giai đoạn: giai đoạn chưa tăng sinh và giai đoạn tăng sinh. Trong giai đoạn đầu chưa tăng sinh, người bệnh thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Một số người có thể thấy các dấu hiệu như mờ mắt, khó đọc hay khó nhìn các vật ở xa, nhất là vào buổi chiều tối.

Ở giai đoạn bệnh võng mạc tăng sinh, các mạch máu trong võng mạc bắt đầu bị xuất huyết nhiều hơn. Điều này có thể khiến bạn nhìn thấy các đốm đen như ruồi bay hoặc các vệt như mạng nhện trước mắt. Các dấu hiệu như mắt mờ nhòe, đau nhức hốc mắt cũng xảy ra thường xuyên và rõ rệt hơn.

Đôi khi, các triệu chứng bệnh võng mạc tiểu đường có thể đến rồi đi. Nhưng điều quan trọng là người bệnh cần điều trị biến chứng biến chứng mạch máu này càng sớm càng tốt. Nếu không điều trị, tình trạng chảy máu có thể tái lại, trở nên tồi tệ hơn và gây sẹo ở võng mạc.

Mờ mắt là triệu chứng điển hình của bệnh võng mạc tiểu đường.

Bệnh võng mạc tiểu đường có nguy hiểm không?

Bệnh võng mạc tiểu đường là một biến chứng nguy hiểm. Bởi nếu điều trị muộn, biến chứng này có thể gây mù mắt vĩnh viễn hoặc dẫn đến các rủi ro nghiêm trọng khác như:

  • Phù hoàng điểm: khoảng một nửa số người bị bệnh võng mạc tiểu đường sẽ bị phù hoàng điểm. Phù hoàng điểm xảy ra khi các mạch máu ở võng mạc bị rò rỉ, gây sưng hoàng điểm. Nếu bị phù hoàng điểm, bạn cũng sẽ thấy thị lực giảm rõ rệt.
  • Tăng nhãn áp: các mạch máu mới có thể ngăn chặn quá trình chất lỏng chảy ra khỏi mắt. Điều này khiến áp suất trong nhãn cầu tăng cao và gây ra một bệnh gọi là tăng nhãn áp.
  • Bong võng mạc: tổn thương võng mạc lâu ngày có thể tạo ra các sẹo trên võng mạc. Khi mắt cử động, các sẹo này bị co kéo, có thể gây bong, rách võng mạc.

Ai có nguy cơ cao mắc bệnh võng mạc tiểu đường?

Bất cứ ai bị tiểu đường, dù type 1, type 2 hay tiểu đường thai kỳ đều có nguy cơ bị bệnh võng mạc tiểu đường. Đường huyết càng cao, càng bị tiểu đường lâu, nguy cơ của bạn càng cao.

Ngoài ra, có 1 số yếu tố cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh võng mạc tiểu đường bao gồm:

  • Huyết áp cao.
  • Mỡ máu cao.
  • Hút thuốc lá
  • Người Mỹ gốc Phi, Tây Ban Nha hoặc người Mỹ bản địa.

Nguyên nhân gây ra bệnh lý võng mạc tiểu đường

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến bệnh võng mạc là do lượng đường trong máu tăng cao. Khi lượng đường trong máu tăng cao, cơ thể có thể sản sinh ra nhiều chất oxy hóa, sorbitol và glycoprotein. Những chất này sẽ làm hỏng các mạch máu nhỏ tại võng mạc của bạn, gây xuất huyết, chảy máu võng mạc.

Để bù đắp cho các mạch máu bị tổn thương này, mắt của bạn sẽ tạo các mạch máu mới. Điều đáng tiếc là các mạch máu mới này không hoạt động tốt. Chúng dễ bị tổn thương gây chảy máu và rò rỉ dịch tại võng mạc.

Hình ảnh võng mạc bị tổn thương do biến chứng tiểu đường.

Hình ảnh võng mạc bị tổn thương do biến chứng tiểu đường.

Làm thế nào để phát hiện bệnh võng mạc tiểu đường?

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện soi đáy mắt. Kiểm tra này rất đơn giản và không gây đau đớn. Đầu tiên, bạn sẽ được dùng 1 loại thuốc nhỏ mắt để làm giãn đồng tử. Sau đó bác sĩ sẽ quan sát mắt bạn để xem bạn có bị bệnh võng mạc hay các biến chứng mắt của bệnh tiểu đường khác không.

Trường hợp, nghi ngờ bạn bị bệnh võng mạc hoặc phù hoàng điểm nặng, bác sĩ sẽ chỉ định chụp mạch máu võng mạc huỳnh quang. Xét nghiệm này cho phép bác sĩ nhìn thấy rõ ràng hình ảnh của các mạch máu trong võng mạc của bạn.

Bệnh võng mạc tiểu đường có phòng ngừa được không?

Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa được bệnh võng mạc tiểu đường bằng cách giữ cho đường huyết, mỡ máu, huyết áp trong giới hạn an toàn. Một chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường tập thể dục và tuân thủ chỉ định về thuốc điều trị của bác sĩ sẽ giúp bạn làm được điều này.

Và để giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn, bạn sẽ cần một xét nghiệm đặc biệt là xét nghiệm HbA1c. Xét nghiệm này cho thấy lượng đường trong máu trung bình của bạn trong khoảng thời gian 3 tháng. Giảm 1% HbA1c, bạn sẽ giảm được 30% nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường.

Sử dụng thảo dược cũng là cách giúp ngăn chặn quá trình đường huyết cao tại ra các chất gây hại cho võng mạc như chất oxy hóa hay sorbitol. Nghiên cứu khoa học cho thấy những cây thuốc nam như Nhàu, Hoài Sơn, Mạch Môn, Câu kỷ tử có tác dụng chống oxy hóa mạnh. Đặc biệt Câu kỷ tử còn được chứng minh giúp ngăn chặn quá trình tạo ra sorbitol gây đục thủy tinh thể.

Sự kết hợp của 4 thảo dược giúp phòng ngừa bệnh võng mạc tiểu đường tốt hơn.

Sự kết hợp của 4 thảo dược giúp phòng ngừa bệnh võng mạc tiểu đường tốt hơn.

Các phương pháp điều trị bệnh võng mạc tiểu đường

Trong giai đoạn đầu của bệnh võng mạc tiểu đường, bác sĩ có thể chỉ yêu cầu bạn theo dõi thường xuyên 2 đến 4 tháng một lần và kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp, mỡ máu. Nhưng khi xuất hiện mạch máu tăng sinh hay võng mạc bị chảy máu nhiều, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện 1 trong 3 cách điều trị sau: 

  • Tiêm thuốc: Các loại thuốc VEGF có thể làm chậm hoặc đẩy lùi bệnh võng mạc tiểu đường. Một số thuốc khác như corticosteroid cũng giúp giảm triệu chứng cho bạn.
  • Laser: Nếu võng mạc xuất huyết nhiều, thuốc tiêm có thể không hiệu quả. Bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn điều trị bằng laser. Phương pháp này sẽ làm cho các mạch máu co lại và ngừng xuất huyết.
  • Phẫu thuật mắt: Đây là lựa chọn điều trị cuối cùng khi cả laser và thuốc tiêm đều không phát huy tác dụng. Phương pháp này thường chỉ áp dụng khi võng mạc bị chảy máu rất nặng, xuất huyết dịch kính hoặc có nhiều vết sẹo.

Võng mạc của bạn có thể bị tổn thương nặng nề trước khi bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào nào về thị lực. Ngay cả khi đã bước sang giai đoạn nguy hiểm (bệnh võng mạc tăng sinh), một số người vẫn không có triệu chứng rõ rệt. Vì vậy, thay vì chờ biến chứng này đến mới điều trị, hãy chủ động phòng ngừa sớm bệnh võng mạc tiểu đường. Và đừng quên đi khám mắt thường xuyên nhé.

Tham khảo:

1. https://nei.nih.gov/learn-about-eye-health/eye-conditions-and-diseases/diabetic-retinopathy

2. https://www.diabetes.org/diabetes/complications/eye-complications

3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetic-retinopathy/symptoms-causes/syc-20371611

4. http://benhvien108.vn/benh-vong-mac-dai-thao-duong.htm