Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong số đó không thể không kể đến biến chứng ở bàn chân. Dù không nguy hiểm tính mạng, nhưng biến chứng bàn chân có thể gây loét, hoại tử và đoạn chi. Nếu bạn muốn phòng ngừa biến chứng này, đừng bỏ qua những thông tin trong bài viết dưới đây.
Biến chứng bàn chân của bệnh tiểu đường làm tăng 25% nguy cơ cắt cụt chi.
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến bàn chân như thế nào?
Ở người bệnh tiểu đường, đường huyết cao có thể gây tổn thương đến bàn chân theo 2 cách:
- Tổn thương thần kinh: Bàn chân là cơ quan xa não bộ nhất. Vì vậy, nếu có tổn thương thần kinh thì đây là nơi sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Tổn thương thần kinh sẽ làm bạn giảm cảm giác nhận biết đau, nóng, lạnh. Và như vậy bạn có thể bị thương ở bàn chân nhưng không biết, vô tình bị nhiễm trùng tạo thành vết loét.
- Tổn thương mạch máu: Những rối loạn chuyển hóa ở người tiểu đường sẽ làm mạch máu dễ bị xơ vữa. Điều này làm giảm lượng máu và tế bào miễn dịch đến chân khiến các vết thương lâu lành hơn. Những vết thương lâu lành sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng, loét và hoại tử hơn.
Hầu hết các biến chứng bàn chân ở người tiểu đường đều là hậu quả của cả 2 tổn thương kể trên. Kết hợp với hệ miễn dịch suy giảm sẽ tạo thành vòng xoáy bệnh lý rất khó điều trị. Bởi vậy hiểu rõ biến chứng và chủ động phòng ngừa sớm luôn là ưu tiên trong điều trị bệnh tiểu đường
Những biến chứng tiểu đường ở chân thường gặp
Người bình thường cũng có thể gặp phải các vấn đề về chân. Nhưng nếu bị tiểu đường, bạn sẽ có nguy cơ gặp các vấn đề này cao hơn.
Nhiễm nấm
Nấm có thể xuất hiện ở kẽ chân, bàn chân hoặc móng chân. Nếu xuất hiện ở bàn chân, bạn thường sẽ có cảm giác ngứa, da chân đỏ hoặc nứt nẻ. Ngược lại nếu bị nấm móng chân, móng chân bạn sẽ giòn, dễ gãy, đổi sang màu vàng nâu hoặc xám..
Mụn nước
Việc cọ xát với giày hoặc vớ có thể gây ra các vết mụn nước, phồng rộp ở chân. Tốt nhất, bạn không nên chọc vỡ các mụn này. Vì chính lớp da bị phồng lên đó sẽ giúp bảo vệ bạn vi khuẩn.
Vết chai
Vết chai thường xuất hiện ở mặt dưới của bàn chân. Nếu xuất hiện quá nhiều vết chai, đây là dấu hiệu bạn cần đến bác sĩ thăm khám.
Hình ảnh vết chai chân ở bàn chân người tiểu đường.
Khô da
Đây cũng là 1 vấn đề khá phổ biến ở người tiểu đường. Da bàn chân có thể khô, bong tróc, nứt nẻ, thậm chí ngứa ngáy rất khó chịu.
Loét chân
Loét chân thường bắt đầu từ các vết chai, vết xước nhỏ, vết thương lâu lành. Khi không được phát hiện và xử trí sớm, những tổn thương này sẽ nhiễm trùng và gây loét bàn chân.
Bàn chân charcot
Tổn thương thần kinh có thể gây biến dạng bàn chân. Ngón chân và bàn chân sẽ bị cong lại gây khó khăn cho việc đi lại. Điều này cũng khiến bạn dễ bị các vấn đề về chân khác như mụn nước, vết chai và vết loét.
Dấu hiệu nhận biết sớm biến chứng bàn chân của bệnh tiểu đường
Không quá khó khăn để phát hiện sớm biến chứng bàn chân tiểu đường. Bạn nên đi khám ngay nếu thấy những dấu hiệu sau:
- Bàn chân có cảm giác tê bì, đau, nóng rát như phải bỏng hoặc kim châm.
- Thay đổi màu sắc trên da.
- Sưng/phù ở bàn chân hoặc mắt cá chân
- Vết thương/vết loét chậm lành hoặc chảy nước
- Móng chân mọc ngược vào trong,
- Có vết chai hay vết cứng hình hạt ngô ở dưới lòng bàn chân hay gót chân.
- Các vết nứt khô trên da, đặc biệt là gót chân
- Mùi hôi bất thường và/hoặc dai dẳng.
Tại bệnh viện, các bác sĩ có thể khám cho bạn bằng cách quan sát trực tiếp, xét nghiệm cảm giác rung ở chi dưới, đánh giá cảm giác nông sâu hoặc siêu âm, chụp động mạch chân. Sau đó tùy theo mức độ biến chứng mà đưa ra chỉ định điều trị phù hợp.
Người bệnh tiểu đường cần thận trọng nếu có dấu hiệu bị phù chân.
Cách phòng ngừa biến chứng bệnh tiểu đường ở chân
Để bảo vệ bàn chân của mình trước biến chứng tiểu đường, bạn hãy tập cho mình các thói quen sau:
- Mang giày thoải mái, kín. Trước khi mang, cần kiểm tra giày để đảm bảo không có vật kẹt bên trong. Bởi chúng có thể gây ra vết cắt hoặc làm tổn thương đôi chân của bạn.
- Đừng đi chân trần, ngay cả khi ở nhà. Đặc biệt là đi chân trần trên đường, cát nóng mùa hè để tránh bị bỏng.
- Luôn rửa chân bằng nước ấm và lau khô sau khi rửa.
- Tự “khám bàn chân” của mình mỗi ngày, xem có vết loét hoặc vấn đề gì không.
- Không tự ý dùng các mẹo dân gian đắp lá, rắc kháng sinh vào vết thương, vết loét. Nếu vết thương nhỏ, không chảy máu nhiều hay nóng, đỏ, chảy mủ, bạn chỉ cần rửa bằng nước muối sinh lý, thoa kem kháng sinh (Fucidine, Tetra…) nếu có và băng lại.
- Thoa kem dưỡng da vào mùa khô, đặc biệt là gót chân nhưng không thoa vào giữa các ngón chân.
- Làm mịn vết chai bằng đá bọt, tuyệt đối không dùng dao kéo hay vật nhọn để cắt.
- Cắt móng chân theo 1 đường ngan. Phần khóe móng chân, nên dùng dũa để làm.
- Đề xuất bác sĩ khám bàn chân giúp bạn mỗi khi đến lịch khám định kỳ.
- Ngừng hút thuốc bởi thuốc lá có thể gây xơ vữa động mạch.
- Giữ đường huyết ổn định: Bên cạnh thuốc Tây, sử dụng những thảo dược có tác dụng cân bằng rối loạn chuyển hóa đường, chuyển hóa mỡ như Câu kỷ tử, Hoài Sơn, Mạch Môn cũng là một giải pháp bạn có thể tham khảo. Những thảo dược này không chữa khỏi bệnh tiểu đường nhưng sẽ giúp bạn giảm nguy cơ nhờn thuốc, duy trì sự khỏe mạnh và trì hoãn sự xuất hiện của biến chứng.
Biến chứng bàn chân ở người tiểu đường có thể khiến bạn cảm thấy lo sợ bởi nguy cơ tàn phế. Nhưng đừng lo lắng, với những cách phòng ngừa kể trên, bạn hoàn toàn có thể tận hưởng cuộc sống hạnh phúc hơn dù mắc bệnh tiểu đường.
Tặng bạn thêm thông tin hữu ích: Cách xử trí vết thương ở người tiểu đường.
Nguồn tham khảo:
https://www.webmd.com/diabetes/foot-problems#1