Ở người bệnh tiểu đường, đường huyết cao có thể gây biến chứng trên xương khớp, gây đau nhức, viêm, co cứng chân tay, thậm chí tàn phế. Thế nhưng, hầu hết người bệnh đều nhầm lẫn biến chứng này với nhiều bệnh xương khớp khác, khiến biến chứng bị phát hiện muộn hoặc điều trị sai hướng. Trong bài viết sau đây, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ về biến chứng này, từ đó biết cách nhận biết và phòng ngừa rủi ro cho mình.
Bệnh tiểu đường có thể gây biến chứng đến xương khớp.
Nguyên nhân dẫn đến các biến chứng xương khớp của bệnh tiểu đường
Chia sẻ về biến chứng xương khớp của bệnh tiểu đường, GS Thái Hồng Quang, chủ tịch Hội Nội tiết đái tháo đường Việt Nam cho biết: Nguyên nhân sâu xa dẫn đến biến chứng này vẫn là rối loạn chuyển hóa. Trong đó bao gồm cả rối loạn chuyển hóa chất đường, chất béo và chất đạm. Hậu quả là:
- Hệ thống thần kinh và mạch máu nuôi dưỡng các khớp xương bị tổn thương.
- Collagen bị lắng đọng tại các khớp, đặc biệt là khớp ngón tay, bàn tay. Lượng collagen càng nhiều, các khớp càng dễ bị co rút, khó vận động.
- Môi trường đường cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây viêm.
- Làm giảm hàm lượng canxi và các khoáng chất có trong xương (mật độ xương) nên dễ gây loãng xương, gãy xương.
Biến chứng xương khớp có thể gặp ở cả người bệnh tiểu đường type 1 type 2. Tuy nhiên, những người mắc bệnh trên 5 năm, tuổi cao, thừa cân sẽ có nguy cơ bị biến chứng này cao hơn.
Biến chứng tiểu đường đến xương khớp có nguy hiểm không?
Mặc dù ít gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng người bị biến chứng xương khớp vẫn phải đối mặt với 1 số rủi ro nguy hiểm. Nếu không điều trị sớm, biến chứng này có thể gây biến dạng các khớp, gãy xương và làm tăng nguy cơ loét chân, đoạn chi.
Ngoài ra, bản thân người bệnh cũng gặp rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Có thể là khó khăn khi vận động, leo cầu thang, chăm sóc con cháu. Hoặc thường xuyên mất ngủ, mệt mỏi vì cơn đau khớp tăng về đêm.
Vì vậy, việc hiểu rõ về biến chứng xương khớp rất quan trọng. Không chỉ giúp bạn nhận biết sớm và điều trị đúng hướng. Hơn hết, điều này sẽ giúp bạn tận hưởng cuộc sống cùng gia đình 1 cách trọn vẹn và thoải mái nhất.
Thông tin hữu ích: Các biến chứng tiểu đường thường gặp và cách phòng ngừa
Dấu hiệu nhận biết biến chứng xương khớp do tiểu đường
Biến chứng cơ xương khớp của bệnh tiểu đường rất dễ nhầm lẫn với các bệnh xương khớp khác. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể nhận biết qua 1 số dấu hiệu đặc trưng sau:
- Khớp vai bị cứng, khó xoay vai, dang rộng tay hoặc giơ tay thẳng cao hơn đầu. Một số người bệnh khi cử động vai còn thấy đau âm ỉ.
- Một vùng da tay bị dày lên bất thường, khó áp sát hai lòng bàn tay vào nhau hoặc không thể duỗi bàn tay hết cỡ (hội chứng bàn tay cứng)
- Ngón tay bị cong lại, nhìn gần giống động tác bóp cò súng (hội chứng ngón tay lò xo) hoặc bàn chân chim (hội chứng Dupuytren). Nếu muốn duỗi thẳng, phần lớn người bệnh đều phải dùng tay khác bẻ từng ngón.
- Có cảm giác khớp gối cứng, đau, nặng như đeo đá. Triệu chứng này đặc biệt rõ khi leo cầu thang.
- Bàn chân bị sưng đỏ hoặc biến dạng, lòng bàn chân cong thành hình võng như kiểu ghế bập bênh (bàn chân charcot)
Hình ảnh biến chứng bàn chân charcot ở người bệnh tiểu đường.
Cách phòng ngừa, cải thiện biến chứng cơ xương khớp do tiểu đường
Biến chứng xương khớp có thể gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng với những giải pháp dưới đây, người bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể ngăn chặn hoặc giảm nhẹ được biến chứng này.
Dùng thuốc đều đặn
Giống như bất cứ biến chứng nào khác, muốn phòng ngừa thì điều đầu tiên phải làm là dùng thuốc đúng chỉ định để kiểm soát đường huyết. Mặc dù giải pháp này chỉ làm giảm 1 phần nguy cơ biến chứng. Nhưng nếu không thực hiện, biến chứng sẽ đến sớm và với mức độ nặng hơn.
Ngoài thuốc điều trị tiểu đường, khi có biến chứng xương khớp, bạn có thể sẽ được kê đơn thêm một số thuốc khác. Ví dụ như thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, glucosamin, canxi… Các thuốc này sẽ giúp bạn giảm bớt cơn đau nhức và trì hoãn tiến triển của biến chứng.
Tập luyện rất tốt cho người tiểu đường. Nhưng nếu tập không đúng cách, phương pháp này có thể gây hại cho xương khớp của bạn. Nếu chưa có vấn đề về xương khớp, bạn chỉ cần tập vừa sức là được. Nhưng nếu bạn bị đau nhức hoặc bàn chân bàn tay bị biến dạng, hãy tham khảo các bài tập “đặc biệt” dưới đây:
- Đạp xe đạp trên không.
- Dịch cân kinh 4 nhịp.
- Tập trị liệu khớp vai
- Thái cực quyền.
Ngoài ra, đừng quên chăm sóc bàn chân mỗi tối sau khi tập luyện. Điều này sẽ giúp bạn phát hiện sớm các vết thương ở bàn chân và biết cách điều chỉnh cường độ tập cho phù hợp.
Thông tin hữu ích: Cách chăm sóc vết thương cho người tiểu đường
Khi có biến chứng xương khớp, người tiểu đường nên chọn các bài tập thể dục nhẹ nhàng.
Ưu tiên thực phẩm tốt cho xương
Ngoài ưu tiên những thực phẩm giúp giảm đường huyết như rau xanh, bạn nên ưu tiên các thực phẩm giàu canxi và giàu chất chống oxy hóa. Chẳng hạn như: sữa ít đường, trà xanh, đậu nành, cá, các loại hạt, trái cây có múi. Những thực phẩm này sẽ giúp hạn chế tình trạng loãng xương, giảm viêm và làm chậm sự phá hủy xương khớp.
Sử dụng thảo dược chống biến chứng
Gốc rễ sinh ra biến chứng xương khớp hay các biến chứng tiểu đường khác đều là sự mất cân bằng chuyển hóa chất đường, chất béo, chất đạm trong cơ thể. Vì vậy, nếu điều chỉnh được các rối loạn này, không chỉ biến chứng xương khớp sẽ được cải thiện tốt mà nguy cơ gặp các biến chứng khác cũng sẽ giảm đi.
Trải qua hàng nghìn năm phát triển, y học cổ truyền đã tìm ra nhiều thảo dược có thể hỗ trợ điều chỉnh lại các rối loạn chuyển hóa. Điển hình trong đó phải kể đến các thảo dược như Câu kỷ tử, Mạch Môn, Hoài Sơn, Nhàu… Mặc dù không giúp chữa khỏi bệnh tiểu đường nhưng những thảo dược này sẽ giúp người tiểu đường phục hồi khả năng vận động một cách nhanh chóng hơn, ổn định đường huyết và giảm nỗi lo về các biến chứng khác.
Biến chứng tiểu đường đến xương khớp có thể khiến bạn mệt mỏi và không thể dành thời gian chăm sóc con cái, gia đình. Thế nhưng, với những cách phòng ngừa kể trên, bạn hoàn toàn có thể sống vui, sống khỏe, quên đi nỗi lo biến chứng. Hãy bắt đầu áp dụng các giải pháp đó ngay hôm nay. Đừng để biến chứng tiểu đường trở thành gánh nặng của bạn.
Tham khảo
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes/art-20049314
https://clinical.diabetesjournals.org/content/19/3/136