Bệnh tiểu đường có thể gây biến chứng trên mọi bộ phận của cơ thể, từ tim, mắt, thận, thần kinh đến da. Thậm chí đôi khi, những biến chứng trên da như khô ngứa da cũng là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn đã bị tiểu đường. Rất may là hầu hết các biến chứng tiểu đường ở da đều có thể ngăn ngừa và điều trị nếu được phát hiện sớm.

 Biến chứng tiểu đường ở da là tập hợp các vấn đề về da do bệnh tiểu đường.

Biến chứng tiểu đường ở da là tập hợp các vấn đề về da do bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường gây biến chứng trên da như thế nào?

Da được nuôi dưỡng bởi hệ thống mạch máu dưới da và giữ ẩm nhờ tuyến mồ hôi. Ở người bệnh tiểu đường, đường huyết cao kéo dài sẽ làm tổn thương mạch máu và hệ thần kinh. Trong đó có thần kinh tự chủ điều khiển việc tiết mồ hôi. Điều này sẽ khiến da bị mất nước, dần trở nên khô bong, nứt nẻ và ngứa ngáy.

Thêm vào đó, hệ miễn dịch ở người tiểu đường cũng yếu hơn càng làm cho nguy cơ nhiễm nấm, nhiễm trùng da tăng lên. Nhiều trường hợp, chỉ từ những vết nứt ở da bàn chân, dần nhiễm trùng và tiến triển thành biến chứng loét bàn chân tiểu đường.

Các biến chứng tiểu đường ở da thường gặp

Nếu bị tiểu đường, bạn sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng trên da dưới đây:

Khô ngứa da

Đây là biến chứng trên da phổ biến nhất ở người tiểu đường, thường xuất hiện ở bàn chân, bắp chân. Một số người có thể bị ngứa lưng hoặc toàn thân.

Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng biến chứng này có thể làm “đảo lộn” sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Khiến người bệnh thường xuyên trong tình trạng khó chịu, không thể tập trung làm việc, thậm chí mất ngủ.

Nhiễm nấm

Thủ phạm gây ra biến chứng này là nấm men Candida albicans. Loại nấm này có thể tạo ra những vết mẩn ngứa màu đỏ, ở giữa ẩm ướt và được bao xung quanh bằng những mụn nước hoặc đóng vảy. Các vị trí thường gặp nhất là dưới ngực, xung quanh móng tay, kẽ ngón tay, ngón chân, khóe miệng, nách, háng…

Hình ảnh móng chân bị nhiễm nấm do biến chứng tiểu đường.

Hình ảnh móng chân bị nhiễm nấm do biến chứng tiểu đường.

Nhiễm khuẩn

Những người khỏe mạnh cũng có thể bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên bệnh lý này đặc biệt phổ biến ở người bệnh tiểu đường type 2. Các vùng da bị nhiễm khuẩn thường sưng, nóng, đỏ, đau.

Ngoài ra, biến chứng tiểu đường còn gây ra nhiều vấn đề về da khác như:

  • Bệnh gai đen: Triệu chứng đặc trưng là các vết sạm màu, dày, mượt như nhung ở những vị trí có nếp gấp của cơ thể như nách, háng, cổ… Nếu bạn thừa cân, bạn sẽ có nguy cơ gặp biến chứng này cao hơn.
  • Mụn nước: Mụn nước thường xuất hiện ở lưng ngón tay, bàn tay, ngón chân, bàn chân hoặc đôi khi ở cẳng chân, cẳng tay. Bệnh lý này sẽ xảy ra nhiều hơn ở người bị biến chứng thần kinh tiểu đường.
  • Bệnh teo da tiểu đường: Đây là một biến chứng vô hại, không gây đau đớn hoặc ngứa ngáy. Người bệnh chỉ xuất hiện tình trạng da có những đốm nâu nhạt, có vảy hình bầu dục hoặc tròn.
  • Hoại tử da dạng mỡ.
  • U hạt vòng, u mỡ vàng, bạch biến.

Cách điều trị biến chứng trên da, giúp giảm khô da, ngứa ngáy

Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường, nhưng với biến chứng trên da, bạn có nhiều lựa chọn điều trị bao gồm sử dụng thuốc, sản phẩm hỗ trợ và thay đổi lối sống để giảm các triệu chứng khó chịu như khô da, ngứa ngáy…

Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống sẽ giúp bạn ổn định đường huyết, từ đó gián tiếp trì hoãn tiến triển của biến chứng. Một số mẹo còn có thể giúp bạn giảm tạm thời các triệu chứng khó chịu.

  • Chế độ ăn: Ngoài những thực phẩm nên ăn, nên kiêng cho người tiểu đường, bạn nên ưu tiên các rau củ quả giàu vitamin A, C, E để tăng cường miễn dịch. Hạn chế ăn các đồ dễ gây kích ứng như hải sản, đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ.

Ăn uống lành mạnh giúp giảm nhẹ biến chứng trên da của bệnh tiểu đường.

Ăn uống lành mạnh giúp giảm nhẹ biến chứng trên da của bệnh tiểu đường.

  • Tập thể dục: Cảm giác ngứa ngáy có thể khiến bạn muốn từ bỏ việc tập luyện. Tuy nhiên tập luyện sẽ giúp tăng lưu thông máu đến da, bàn chân, từ đó cũng góp phần giảm nhẹ biến chứng. Bạn chỉ cần lưu ý là nên tập nhẹ nhàng và sau tập nên kiểm tra bàn chân để tránh bị vết thương.
  • Chế độ sinh hoạt: Nếu da khô, bạn nên dùng kem dưỡng ẩm và uống đủ nước mỗi ngày. Trường hợp bị ngứa, các mẹo như đắp gạc lạnh/khăn lạnh, đắp lô hội tươi, yến mạch hay hỗn hợp sệt baking soda (bột nở) với nước có thể giúp bạn giảm cảm giác khó chịu này.

Điều quan trọng nhất, hãy cố gắng thư giãn, tập hít thở hay làm những điều khiến bạn thích thú để phân tán sự chú ý. Bởi càng căng thẳng, cơn ngứa càng nặng hơn. Và khi bị ngứa, phản ứng tự nhiên của cơ thể là dùng tay gãi. Điều này có thể tạo ra các vết thương trên da để vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng.

Dùng sản phẩm hỗ trợ

Đối với những trường hợp nhẹ, các sản phẩm hỗ trợ từ thảo dược có thể phát huy hiệu quả rõ rệt. Nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, các thảo dược như Mạch Môn, Hoài Sơn, Câu kỷ tử có tính chống viêm, chống oxy hóa mạnh. Sử dụng các thảo dược này có thể giúp khắc phục các tổn thương mạch máu, thần kinh, nhờ đó giúp giảm các triệu chứng khô da, ngứa ngáy… và giảm nguy cơ nhiễm trùng cho người bệnh.

Câu kỷ tử là 1 thảo dược chống biến chứng tiểu đường hiệu quả.

Câu kỷ tử là 1 thảo dược chống biến chứng tiểu đường hiệu quả.

Xem thêm: Kinh nghiệm giảm khô da, ngứa ngáy cho người tiểu đường

Sử dụng thuốc

Ngoài thuốc hạ đường huyết để làm chậm tiến triển của biến chứng, bác sĩ sẽ có thể kê thêm cho bạn một số thuốc khác như:

  • Thuốc chống nấm khi bị nhiễm nấm

  • Thuốc kháng viêm nhóm steroid để giảm viêm.

  • Thuốc kháng sinh nhằm điều trị nhiễm trùng.

  • Thuốc kháng histamin để giảm ngứa.

Một số loại thuốc có thể trực tiếp mua tại hiệu thuốc. Tuy nhiên bạn vẫn nên đi thăm khám, hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc, nhất là kháng sinh để đảm bảo an toàn.

Làm sao để phòng ngừa biến chứng tiểu đường ở da?

Để phòng ngừa các biến chứng trên da, bạn có thể áp dụng 1 số giải pháp sau:

- Kiểm soát tốt đường huyết bằng cách duy trì ăn uống lành mạnh, dùng thuốc theo hướng dẫn và tập thể dục. Bởi đường huyết càng cao, da càng dễ khô và ít có khả năng chống lại vi khuẩn có hại. Hai yếu tố này kết hợp sẽ khiến da dễ bị nhiễm trùng, nhiễm nấm.

- Giữ ẩm cho da: Khi da quá khô, nứt nẻ và bong tróc, bạn có thể dùng thêm kem dưỡng ẩm. Nhưng bạn nên thoa mỏng và tránh thoa vào các kẽ chân, kẽ tay. Bởi đây là những vị trí dễ đọng nước, mồ hôi. Nếu thoa thêm kem dưỡng ẩm có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi dễ dàng hơn.

- Sử dụng xà phòng tắm, dầu gội dịu nhẹ.

- Chăm sóc bàn chân mỗi ngày: Ngoài việc giữ chân sạch sẽ và đi giày tất đầy đủ, hãy tạo thói quen kiểm tra giày trước khi bạn mang chúng vào và kiểm tra chân buổi tối khi bạn tháo giày ra. Điều này sẽ giúp bạn tránh được các dị vật gây tổn thương chân. Và nếu có vết thương, bạn cũng phát hiện sớm trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn.

Xử trí vết thương đúng cách: Khi phát hiện vết thương, hãy rửa qua bằng nước sạch, sát khuẩn bằng nước muối sinh lý. Sau đó, nếu có kem kháng sinh dùng cho vết thương ngoài da, bạn có thể thoa vào và băng lại bằng gạc, băng cá nhân. Hàng ngày, bạn nên theo dõi, nếu vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng: sưng đỏ, chảy mủ, đau, có đốm đen thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

Xem thêm: Hướng dẫn cách xử trí vết thương ở người tiểu đường

Biến chứng tiểu đường ở da có thể gây khó chịu nhưng không quá nguy hiểm. Với những giải pháp kể trên, tin rằng bạn sẽ phòng ngừa hoặc sớm giảm nhẹ được các biến chứng này.

Tham khảo:

https://www.healthline.com/health/type-2-diabetes/skin-problems#treatment-options

https://www.medicalnewstoday.com/articles/323491.php