Người bệnh tiểu đường khi thấy đường huyết cao thường tìm mọi cách để hạ xuống thấp. Tuy nhiên, nếu đường huyết giảm quá nhiều, người bệnh có thể bị hạ đường huyết đột ngột. Đây là một biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường, nếu không xử trí kịp thời sẽ gây hôn mê, tử vong.

Hạ đường huyết

Hạ đường huyết là gì? Dấu hiệu nhận biết?

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu thấp hơn mức bình thường. Ở người khỏe mạnh, đường huyết dưới 70 mg/dl đã được coi là hạ đường huyết. Nhưng với người bị bệnh tiểu đường, giới hạn này thường cao hơn.

Khi bị hạ đường huyết, cơ thể sẽ ngay lập tức báo hiệu cho bạn bằng các dấu hiệu sau:

  • Đói cồn cào
  • Đổ mồ hôi lạnh
  • Run chân tay
  • Mệt mỏi, chóng mặt
  • Tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực

Ngoài ra, nếu buổi sáng thức dậy, bạn bị đau đầu, cơ thể ướt mồ hôi, người mệt. Đây là triệu chứng cảnh báo rằng bạn đã bị hạ đường huyết ban đêm.

Hạ đường huyết có thể xảy ra ở tất cả người bệnh tiểu đường dù là tuýp 1, tuýp 2 hay phụ nữ mang thai mắc tiểu đường thai kỳ. Tuổi càng cao càng dễ bị hạ đường huyết. Tỷ lệ hạ đường huyết cũng cao hơn ở người tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 tiêm insulin.

Người tiểu đường hay bị hạ đường huyết, đặc biệt là người bệnh cao tuổi.

Người tiểu đường hay bị hạ đường huyết, đặc biệt là người bệnh cao tuổi.

Một số nguyên nhân gây hạ đường huyết ở người tiểu đường

Người tiểu đường bị hạ đường huyết chủ yếu do tâm lý muốn hạ đường huyết cấp tốc nên mắc sai lầm trong điều trị. Cụ thể:

  • Bỏ bữa, ăn không đúng bữa.
  • Kiêng hoàn toàn tinh bột (carbohydrate) như cơm, bún, miến, phở, bánh mì…
  • Tập thể dục quá mức.
  • Uống rượu bia, đặc biệt là khi đói bụng.

Ngoài ra, hạ đường huyết còn xảy ra khi người bệnh dùng thuốc tiểu đường không đúng cách. Ví dụ: tiêm insulin sai cách (tiêm quá sâu, tiêm vào cơ, tiêm cùng 1 vị trí lâu ngày), gấp đôi liều thuốc hạ đường huyết do quên uống…

Người tiểu đường hay bị hạ đường huyết có nguy hiểm không?

Đường glucose là một trong những nguồn nguyên liệu chính để cơ thể hoạt động. Trong tất cả các cơ quan thì não bộ là nơi phụ thuộc nhiều nhất vào glucose. Nếu vì một lý do nào đó khiến nồng độ glucose trong máu giảm thì chức năng não sẽ bị ảnh hưởng. Thể nhẹ có thể gây đau đầu, hoa mắt, choáng váng. Nặng có thể dẫn đến co giật, hôn mê, tử vong.

Ở người khỏe mạnh, ngay khi lượng đường trong máu xuống thấp, cơ thể sẽ ngay lập tức có cơ chế để giúp tăng đường huyết trở lại. Tuy nhiên với người tiểu đường, quá trình này thường chậm trễ hơn nên hậu quả để lại thường nặng nề hơn. Chưa kể đến, người bệnh còn dễ bị hạ đường huyết vào ban đêm nên không xử lý kịp và dẫn đến hôn mê.

Phần lớn người bệnh tiểu đường đều cho rằng tăng đường huyết mới nguy hiểm. Nhưng lại không biết rằng hạ đường huyết cũng nguy hiểm không kém. Người bệnh bị tăng đường huyết cấp ít tử vong ngay. Nhưng nếu hạ đường huyết đột ngột thì có thể.

Thường xuyên bị hạ đường huyết cũng sẽ khiến người bệnh dễ gặp biến chứng tiểu đường hơn. Vì vậy, mục tiêu điều trị tiểu đường không chỉ đơn giản là “giảm đường huyết”, mà phải “ổn định đường huyết ở ngưỡng an toàn”.

Hạ đường huyết có thể gây hôn mê, tử vong và làm tăng nguy cơ biến chứng.

Hạ đường huyết có thể gây hôn mê, tử vong và làm tăng nguy cơ biến chứng.

Phải làm gì để xử lý hạ đường huyết?

Ngay khi có các dấu hiệu hạ đường huyết, người bệnh tiểu đường cần dừng hoạt động (nếu có) và áp dụng ngay các bước xử lý sau:

  • Bước 1: Ăn hoặc uống 15gram carbohydrate. Bạn có thể chọn: 1 cốc nước đường (2 - 3 thìa đường), thìa canh sữa đặc, 2 thìa cà phê mật ong, 2 - 3 viên kẹo, 1 quả chuối tiêu, 2 chiếc bánh quy, ⅓ bát cơm, 2 miếng dưa hấu, 2 quả quýt vừa, 1/2 ly sữa...
  • Bước 2: Sau khi bổ sung carbohydrate, nghỉ ngơi trong 15 phút rồi kiểm tra lại đường huyết. Nếu vẫn còn thấp, lặp lại hai bước này.

Phần lớn người bệnh sẽ hồi phục sau 1 - 2 lần lặp lại 2 bước trên. Nhưng nếu sau 2 lần áp dụng mà đường huyết vẫn thấp, người bệnh cần nhanh chóng tới bệnh viện.

Trường hợp bạn bắt gặp người tiểu đường bị hạ đường huyết đã hôn mê. Đừng cố gắng cho họ ăn hay uống gì mà phải lập tức gọi cấp cứu 115. Bởi nếu cho người bệnh ăn uống khi này, thức ăn có thể sặc vào phổi rất nguy hiểm.

Luôn mang theo bên mình một số thực phẩm để xử trí khi bị hạ đường huyết

Luôn mang theo bên mình một số thực phẩm để xử trí khi bị hạ đường huyết

Cách phòng ngừa biến chứng hạ đường huyết

Hạ đường huyết là điều khó tránh khỏi ở người tiểu đường. Tuy nhiên, nếu áp dụng các phương pháp sau đây, bạn có thể giảm tối đa nguy cơ:

  • Luôn mang theo đồ ăn nhẹ hoặc đồ uống có đường bên mình, chẳng hạn như vài viên kẹo, vài chiếc bánh quy, một hộp sữa...
  • Không bỏ bữa hay kiêng hoàn toàn tinh bột.
  • Cẩn thận khi uống rượu bia: Không uống một lượng lớn trong khoảng thời gian ngắn và tránh uống khi bụng đói.
  • Nếu có dấu hiệu hạ đường huyết vào ban đêm, có thể ăn nhẹ một vài chiếc bánh quy, trái cây trước khi đi ngủ để phòng ngừa.
  • Cẩn thận khi tập thể dục: Nên tập nhẹ nhàng, không tập các bài tập quá nặng. Nếu có máy đo đường huyết cầm tay, nên đo đường huyết trước khi tập. Nếu thấy đường huyết dưới 70 mg/dl, hãy ăn một bữa ăn một chút đồ ăn nhẹ trước khi bắt đầu tập luyện 30 phút.
  • Báo ngay cho bác sĩ khi thấy hạ đường huyết xảy ra nhiều lần trong nhiều ngày liên tiếp. Bởi rất có thể nguyên nhân gây hạ đường huyết khi này đến từ thuốc điều trị của bạn. Và việc điều chỉnh liều thuốc phải được bác sĩ thăm khám và quyết định.

Hạ đường huyết ở người bệnh tiểu đường là một biến chứng cấp tính rất nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh nắm rõ các dấu hiệu và cách xử lý khi hạ đường huyết xảy ra. Đặc biệt, cần cảnh giác cao độ với các quảng cáo quá mức “hạ đường huyết cấp tốc” để tránh mất nhiều hơn được.

Tham khảo: joslin.org, nhs.uk, medicinenet.com, mayoclinic.org