Bệnh tiểu đường đang dần trở thành đại dịch của thế giới bởi tốc độ phát triển không kém HIV. Dù không lây lan nhưng những biến chứng của bệnh lại gây ra nhiều hậu quả nặng nề nếu không được kiểm soát tốt. Nắm bắt thời gian biến chứng của bệnh tiểu đường xuất hiện và cách phòng biến chứng hiệu quả sẽ giúp người bệnh tăng tuổi thọ và sống như người khỏe mạnh.
Bệnh tiểu đường có những biến chứng nguy hiểm gì?
Biến chứng của bệnh tiểu đường được chia thành cấp tính và mạn tính tùy theo tính chất xuất hiện đột ngột hay diễn ra từ từ. Biến chứng cấp tính xuất hiện nhanh và nặng nề. Gồm có hạ đường huyết quá mức, nhiễm toan ceton do đái tháo đường, tăng áp lực thẩm thấu. Nếu không phát hiện sớm cuối cùng sẽ dẫn đến hôn mê và tử vong. Trong khi đó, những biến chứng mạn tính tiến triển dần dần, ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan quan trọng trong cơ thể.
Một số biến chứng mạn tính của bệnh tiểu đường thường gặp:
- Biến chứng tim mạch do tiểu đường: Bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, xơ vữa động mạch
- Tổn thương thần kinh ngoại biên, thần kinh tự chủ: Giảm cảm giác ở tay chân (tê bì, bỏng rát, khó cảm nhận đau nóng lạnh), tim đập nhanh khi nghỉ, rối loạn cương dương, khô âm đạo, rối loạn tiêu hóa.
- Biến chứng thận: Gây suy thận hoặc bệnh thận giai đoạn cuối không hồi phục
- Bệnh võng mạc tiểu đường, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp: dẫn đến giảm thị lực, thậm chí mù lòa.
- Biến chứng bàn chân tiểu đường: Vết thương, vết chai ở bàn chân bị nhiễm trùng thành vết loét lớn, có thể phải cắt cụt chân.
- Bệnh về da, răng miệng, nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Hình ảnh biến chứng của bệnh tiểu đường
Thời gian biến chứng của bệnh tiểu đường xuất hiện là bao lâu?
Biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên thời gian xuất hiện các biến chứng mạn tính có thể thay đổi tùy theo loại biến chứng và cách điều trị của mỗi người bệnh.
Xuất hiện sớm nhất thường là biến chứng thần kinh và tim mạch. Thậm chí, nhiều người tiểu đường tuýp 2 còn phát hiện bị biến chứng thần kinh ngoại biên tại thời điểm chẩn đoán. Nguyên nhân là do trước đó họ đã bị tăng đường huyết âm thầm không có triệu chứng trong thời gian rất dài. Biến chứng võng mạc có thể xảy ra sau 7 năm mắc bệnh. Khoảng thời gian này với biến chứng thận thường là 15 - 18 năm.
Theo thống kê năm 2017 của Bộ Y Tế, Việt Nam có khoảng 27 nghìn người chết vì bệnh tiểu đường. Trong đó phần lớn đến từ các biến chứng, đặc biệt là biến chứng tim mạch. Vì vậy chủ động phòng ngừa và phát hiện sớm biến chứng luôn là ưu tiên hàng đầu để giảm tỉ lệ tử vong ở người bệnh tiểu đường.
Dấu hiệu nhận biết sớm biến chứng tiểu đường
Bạn có thể phát hiện các biến chứng mạn tính của bệnh tiểu đường thông qua những triệu chứng sau:
- Tê bì, châm chích chân tay.
- Hay bị đau chân khi đi bộ.
- Thường xuyên bị chuột rút vào ban đêm.
- Mắt mờ, nhìn thấy đốm đen trước mắt.
- Tiểu buốt, nước tiểu sủi bọt màu đục và có mùi hôi.
- Vết thương lâu lành, nhiều vết chai ở lòng bàn chân.
- Da bong tróc, nứt nẻ, ngứa.
Riêng với biến chứng cấp tính, mặc dù xảy ra đột ngột nhưng người bệnh vẫn có thể phát hiện thông qua một vài biểu hiện như bủn rủn, vã mồ hôi, đói cồn cào hay mệt mỏi, khát, hơi thở mùi trái cây. Khi cơ thể có những điểm khác thường nên thăm khám ngay, đừng để nặng mới điều trị bởi biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng.
Dấu hiệu hạ đường huyết ở người tiểu đường
Dịch ảnh từ trái sang phải, trên xuống dưới: Đói cồn cào, Vã mồ hôi, buồn ngủ, run chân tay, nhức đầu, lú lẫn.
Cách phòng ngừa biến chứng bệnh tiểu đường
Phần lớn các biến chứng tiểu đường có thể phòng ngừa được bằng cách giữ cho đường huyết, huyết áp và mức cholesterol trong phạm vi an toàn. Ngoài việc dùng thuốc, kiểm tra các chỉ số này thường xuyên thì những thay đổi về lối sống, ăn uống dưới đây cũng quan trọng không kém.
Ăn uống lành mạnh
Thức ăn liên quan trực tiếp đến nồng độ đường, mỡ máu và huyết áp. Người bệnh tiểu đường không cần kiêng tuyệt đối một loại thực phẩm nào nhưng nên tuân thủ chế độ ăn giàu chất xơ, ít chất béo, ít muối.
Hãy xây dựng thực đơn với 50% là rau xanh lá, hoa quả tươi ít ngọt; 25% tinh bột, chủ yếu từ gạo lứt, ngũ cốc nguyên cám thay vì cơm trắng, bún, phở, bánh mì trắng; 25% chất đạm nạc gồm thịt gà bỏ da, cá, các loại đậu. Người bệnh nên tự chế biến món ăn nhạt và uống không quá 2 ly rượu mỗi ngày.
Giữ cân nặng khỏe mạnh
Thừa cân, đặc biệt là vòng bụng lớn sẽ làm tăng kháng insulin (gây tăng đường huyết) và tăng nguy cơ biến chứng tim mạch. Vì vậy, người tiểu đường thừa cân cần giảm tối thiểu 5 - 6% cân nặng của mình bằng cách ăn giảm mỡ, tập thể dục 30 - 45 phút mỗi ngày.
Bỏ thuốc lá
Thuốc lá làm những nỗ lực giảm cân, ăn uống, kiểm soát đường huyết và huyết áp trở nên vô nghĩa. Không chỉ vậy, chúng còn làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và các bệnh khác liên quan đến mạch máu. Nếu bạn đang hút thuốc và bị tiểu đường, hãy tập từ bỏ thói quen này để bảo vệ sức khỏe của mình.
Sử dụng thảo dược hỗ trợ
Có nhiều người dù đã kiểm soát tốt nhưng vẫn gặp phải biến chứng. Lý do là bởi nguyên nhân sinh biến chứng không chỉ là do đường huyết cao mà còn do quá trình chuyển hóa chất đạm chất béo bị rối loạn. Để cân bằng các rối loạn này, các thầy thuốc đã tìm về các dược liệu Đông Y từng được sử dụng nhiều trong điều trị chứng tiêu khát (tên gọi khác của bệnh tiểu đường).
Nghiên cứu cho thấy những hoạt chất sinh học trong các cây thuốc truyền thống như Nhàu, Câu kỷ tử, Mạch môn, Hoài sơn có thể hỗ trợ cân bằng rối loạn chuyển hóa. Nhờ đó giúp người bệnh tiểu đường ổn định đường huyết và giảm nguy cơ biến chứng tốt hơn.
Có thể nói thời gian biến chứng của bệnh tiểu đường ngắn hay dài phụ thuộc lớn vào chính bản thân người bệnh. Áp dụng các giải pháp trong bài viết, bạn hoàn toàn có thể hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng sớm.
Tham khảo: mayoclinic.org, ncbi.nlm.nih.gov, diabetesdaily.com, endocrineweb.com