Áp dụng 8 cách điều trị dưới đây, người bệnh tiểu đường có thể giảm đường huyết về mức bình thường, tăng tuổi thọ và phòng ngừa nhiều biến chứng nguy hiểm.
Tiểu đường (đái tháo đường) là một bệnh rối loạn chuyển hóa chất đường, chất đạm, chất béo do cơ thể bị thiếu insulin và kháng insulin. Bệnh thường biểu hiện bằng tình trạng lượng đường trong máu tăng cao kèm một số triệu chứng như: tiểu nhiều, khát, ăn nhiều hoặc sút cân. Nếu không được điều trị, tiểu đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm trên tim mạch, mắt, thận, thần kinh… đe dọa tính mạng
Liên đoàn Đái tháo đường thế giới thống kê Việt Nam có 3,5 triệu người mắc tiểu đường. Đây là nguyên nhân gây tử vong top đầu (29.000 ca tử vong mỗi năm) chỉ đứng sau HIV - AID và bệnh tim mạch.
Mặc dù nguy hiểm nhưng căn bệnh này hoàn toàn có thể điều trị được. Dưới đây là 8 cách điều trị tiểu đường hiệu quả giúp người bệnh sống khỏe và sống lâu hơn:
Ăn uống khoa học
Áp dụng nguyên tắc “đĩa ăn” để kiểm soát tốt đường huyết.
Phần lớn lượng đường trong máu đến từ thức ăn. Vì vậy nếu muốn giảm đường huyết, bước đầu tiên bạn cần làm là thay đổi chế độ ăn uống của mình. Tuy nhiên, thay đổi ở đây không có nghĩa bạn phải kiêng hoàn toàn nhóm thực phẩm nào.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Amy Campbell của Trung tâm tiểu đường Joslin, người bệnh tiểu đường có thể ăn bất cứ các thực phẩm hay món ăn mà một người khỏe mạnh ăn nếu biết cách ăn. Cụ thể hơn, thay vì phụ thuộc tuyệt đối vào các danh sách thực phẩm nên ăn, nên tránh, người bệnh hãy quan tâm đến số lượng, cách chế biến và thời điểm ăn.
- Số lượng thức ăn: Rau củ quả tươi nên chiếm ½ số lượng thức ăn cả ngày. Tinh bột và chất đạm/chất béo, mỗi loại chiếm ¼ còn lại. Điều này vừa giúp cơ thể có sức đề kháng để chống lại những tác động xấu do bệnh tiểu đường gây ra. Đồng thời, người bệnh vẫn giảm được đường huyết. Ngoài ra, nên hạn chế ăn nhiều vào buổi tối, nên tập trung thức ăn vào bữa sáng, bữa trưa.
- Cách chế biến: Nên ưu tiên luộc, hấp thay vì chiên xào. Hạn chế muối, mỡ động vật. Không nên xay nhuyễn, hầm nhừ thức ăn vì có thể làm tăng chỉ số đường huyết của thực phẩm (GI). GI cho biết tốc độ làm tăng đường máu của thực phẩm. GI cao có nghĩa sau khi ăn thực phẩm này, đường huyết của bạn có thể tăng lên nhanh chóng.
- Thời điểm ăn: Rau xanh nên được ăn vào đầu bữa, sau đó mới đến tinh bột và thịt cá. Cách này sẽ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm cảm giác thèm tinh bột.
Tập thể dục vừa sức
Yoga tốt cho người tiểu đường.
Tập thể dục là cách chữa tiểu đường không dùng thuốc duy nhất có thể giảm kháng insulin. Ngoài giúp giảm đường huyết, tập thể dục còn giúp tăng cường chức năng tim để phòng ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Bạn nên cố gắng tập luyện 30 phút mỗi ngày, tối thiểu 5 buổi mỗi tuần.
Bài tập thể dục tốt nhất với đa số người tiểu đường là đi bộ, bơi lội, chạy bộ, đạp xe, yoga. Tuy nhiên, nếu có vấn đề xương khớp, bệnh thận, bệnh tim, men gan cao, bạn nên hỏi bác sĩ để được tư vấn bài tập phù hợp.
Dùng thảo dược thiên nhiên
Ổn định đường huyết và phòng biến chứng bằng thảo dược.
Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, kết hợp thêm thảo dược là giải pháp mới giúp người bệnh kiểm soát đường huyết và biến chứng tốt hơn. Tuy nhiên, không phải cứ thảo dược là tốt cho người tiểu đường. Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên chọn các thảo dược có nghiên cứu như:
- Lá xoài hỗ trợ giảm kháng insulin.
- Mạch Môn giúp tăng cường tuyến tụy, bảo vệ thận.
- Hoài sơn giúp giảm hạn chế hấp thu đường sau ăn.
- Mướp đắng kích thích tuyến tụy tiết insulin.
- Câu kỷ tử giúp phòng biến chứng mắt, giảm mỡ máu...
Ngoài ra, việc dùng thảo dược cũng phải phù hợp với mục tiêu điều trị và giai đoạn bệnh. Tiểu đường giai đoạn đầu dùng các thảo dược thiên về tác dụng hạ đường huyết. Nhưng tiểu đường lâu năm hoặc có biến chứng nên ưu tiên thảo dược vừa chống biến chứng vừa ổn định đường máu.
Giữ cân nặng khỏe mạnh
Giảm cân giúp giảm nguy cơ biến chứng.
Người béo phì thừa cân sẽ bị kháng insulin nặng hơn người có cân nặng khỏe mạnh. Họ cũng dễ gặp các bệnh về tim mạch hơn (xơ vữa mạch, tăng huyết áp, mỡ máu cao…).
Bạn có thể kiểm tra xem mình có bị thừa cân không bằng cách tính chỉ số khối cơ thể BMI. BMI = cân nặng kg : chiều cao m : chiều cao. Ví dụ bạn nặng 45 cân, cao 1m55 thì BMI của bạn là 45 : 1,55 : 1,55 = 18,7. Chỉ số bình thường của người Việt là 18.5 đến 22.99.
Lưu ý, nếu bị thừa cân, bạn không nên nóng lòng giảm cân quá nhanh. Bạn chỉ nên giảm từ từ, ban đầu khoảng 5 - 10% cân nặng của mình để cơ thể thích nghi.
Thư giãn, giảm stress
Khi căng thẳng khiến, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone stress như cortisol. Những hormone này sẽ làm đường huyết tăng lên. Do đó bạn nên giữ tinh thần thư giãn bằng cách: nghe nhạc nhẹ, tập yoga, thiền… và ngủ 6 - 8 tiếng mỗi ngày.
Tránh xa rượu bia, thuốc lá để
Người hút thuốc có nguy cơ bị biến chứng tim mạch và tử vong cao gấp 2 lần người không hút thuốc. Chất nicotin trong thuốc lá cũng làm tăng kháng insulin. Với rượu bia, sử dụng quá nhiều có thể làm đường huyết hạ thấp đột ngột gây hôn mê. Đồ uống này cũng không phải lựa chọn tốt cho lá gan của bạn.
Nếu bạn bị tiểu đường, tránh xa rượu bia, thuốc lá là điều nên làm. Trong trường hợp không thể từ chối uống rượu, hãy chú ý đừng uống quá 2 chén rượu hoặc 2 lon bia/ngày và chỉ uống khi đã ăn lót dạ.
Dùng thuốc hạ đường huyết
Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Không phủ nhận thuốc Tây có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn khi dùng liều cao hoặc dài ngày. Nhưng nếu được dùng với liều phù hợp, vào những giai đoạn phù hợp, người bệnh sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ cách điều trị này.
Bác sĩ sẽ là người quyết định bạn có phải dùng thuốc hay không. Bởi những triệu chứng bạn gặp phải bạn chỉ mang tính tương đối, là phần nổi của “tảng băng chìm”. Còn rất nhiều tổn thương do tiểu đường gây ra mà bạn không thể nhìn hay cảm nhận thấy. Và thuốc là cách đơn giản nhất và hiệu quả nhất để bạn khắc phục các tổn thương này.
Đừng bỏ thuốc khi chưa trao đổi với bác sĩ của bạn kể cả khi đường huyết của bạn ổn định. Đây là tín hiệu mừng nhưng không có nghĩa bạn đã chữa khỏi bệnh. Ngoài ra, hãy tránh xa các sản phẩm quảng cáo chữa khỏi hẳn bệnh tiểu đường hoặc thay thế thuốc Tây.
Một số phương pháp điều trị tiểu đường mới năm 2019
Các nhà khoa học đang không ngừng tìm kiếm các phương pháp hay loại thuốc mới. Mục tiêu là tăng hiệu quả điều trị tiểu đường, ưu việt hơn là có thể trị dứt điểm căn bệnh này. Trong đó có 2 phương pháp được kỳ vọng cao là cấy ghép tuyến tụy/đảo tụy và tế bào gốc.
- Cấy ghép tuyến tụy: Phương pháp này thường áp dụng cho người tiểu đường tuýp 1. Sau khi được cấy ghép tuyến tụy mới, phần lớn người bệnh có thể giảm liều thuốc Tây. Tuy nhiên, khó khăn là chi phí cấy ghép rất cao, không phù hợp với các nước đang phát triển. Đồng thời người bệnh sẽ phải sử dụng thuốc chống thải ghép suốt đời.
- Cấy ghép tế bào gốc: Kết quả bước đầu cho thấy, sau khi được cấy tế bào gốc, trong khoảng 1 năm đầu, bệnh nhân chỉ dùng thuốc hạ đường huyết liều thấp nhưng các chỉ số vẫn ổn định. Phương pháp này hiện đang được Viện Tế bào gốc thử nghiệm tại bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh TP HCM.
Nhìn chung, điều trị bệnh tiểu đường là một quá trình dài. Nếu bạn kiên trì áp dụng các cách điều trị kể trên, chắc chắn bạn sẽ có được kết quả như mong muốn. Nếu gặp khó khăn trong điều trị, đừng ngần ngại đặt câu hỏi. Chuyên gia của chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn.
Tham khảo:
- https://www.joslin.org/How_is_Diabetes_Treated.HTML
- https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/managing-diabetes/4-steps
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-management/art-20047963