Cứ 10 người tiểu đường thì có 3 người bị loét bàn chân vào một thời điểm nào đó trong đời. Loét bàn chân do biến chứng là nguyên nhân chính dẫn tới đoạn chi (cắt cụt chi) ở người bệnh tiểu đường. Chính vì vậy, việc chăm sóc tốt bàn chân và điều trị vết loét đúng cách là chìa khóa giúp người tiểu đường không bị tàn phế.

Loét chân do tiểu đường là gì?

Biến chứng loét bàn chân tiểu đường là những vết loét hoặc vết thương hở tại chân, tập trung chủ yếu ở lòng bàn chân. Theo thống kê, khoảng 6% người tiểu đường bị loét chân sẽ phải nhập viện do nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác liên quan đến vết loét. Nhưng tin vui là biến chứng này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu bạn chăm sóc tốt bàn chân.

Nguyên nhân gây loét bàn chân ở người tiểu đường

Biến chứng loét chân là nguyên nhân gây tàn phế ở người tiểu đường

Biến chứng loét chân là nguyên nhân gây tàn phế ở người tiểu đường

Các chuyên gia nội tiết đái tháo đường cho rằng, biến chứng loét bàn chân tiểu đường cũng giống như là tảng băng chìm. Vết loét chỉ là phần nổi mà chúng ta nhìn thấy bên ngoài, còn nguyên nhân sâu xa ở bên trong rất nhiều và phức tạp. Ở người tiểu đường, vết loét chân hình thành do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Giảm cảm giác bàn chân: Bệnh tiểu đường lâu năm gây tổn thương hệ thần kinh ở bàn chân khiến người bệnh bị giảm hoặc mất hẳn cảm giác ở chân. Hậu quả là người bệnh sẽ không thấy đau khi bị thương ở chân, vết thương chỉ được phát hiện khi kiểm tra bằng mắt.
  • Tuần hoàn máu tới chân kém: Hệ thống mạch máu tới chân bị chít hẹp do đường huyết cao, điều này khiến vết thương không được tiếp đủ máu nên cũng chậm lành hơn bình thường.
  • Bàn chân bị thương do cọ xát, tì đè, lực tác động
  • Đường huyết cao: Khiến cho vết thương chậm lành và dễ nhiễm trùng vì đường là môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi nảy nở.
  • Khô da: Da bàn chân không đủ ẩm sẽ dễ bị nứt nẻ, chảy máu hơn. Vết nứt nẻ nếu không được điều trị tốt cũng dẫn đến loét, nhiễm trùng.
  • Thời gian mắc bệnh tiểu đường lâu năm: Càng mắc bệnh lâu năm, nguy cơ bị loét bàn chân càng cao do các biến chứng thần kinh, mạch máu đã đồng thời xuất hiện.

Triệu chứng loét chân ở người tiểu đường

Nếu bạn nghĩ rằng đau là triệu chứng đầu tiên khi bị loét bàn chân tiểu đường thì bạn đã nhầm, bởi nhiều người bệnh đã mất cảm giác đau biến chứng thần kinh tiểu đường.. Dấu hiệu đầu tiên mà bạn có thể nhận thấy là tất (vớ) bị ướt do dịch chảy ra từ vết loét. Các dấu hiệu khác bao gồm sưng tấy, đỏ.

Nếu để ý, bạn có thể nhìn thấy một lớp màng màu đen bao quanh vết loét. Đây là màng mô hoại tử hình thành do không có đủ lượng máu đến vết thương và các mô bị chết do nhiễm trùng. Trong trường hợp này, dịch tiết từ vết loét sẽ có mùi hôi, người bệnh có thể cảm thấy đau và tê.

Màng mô hoại tử - dấu hiệu nhận biết biến chứng loét bàn chân

Màng mô hoại tử - dấu hiệu nhận biết biến chứng loét bàn chân

Triệu chứng loét bàn chân tiểu đường không phải lúc nào cũng rõ ràng. Rất nhiều người tiểu đường chỉ phát hiện ra khi vết loét đã nhiễm trùng hoặc cực kỳ đau đớn.

Khi nào nên đến bác sĩ?

Nếu bạn nhìn thấy vùng da quanh vết loét bị đen, rỉ nước và mùi hôi, hãy đến ngay bệnh viện chuyên khoa để được điều trị. Nếu không được xử lý đúng cách, vết loét sẽ tiến triển thành ổ áp xe và lan sang các khu vực khác. Trong trường hợp này, người bệnh buộc phải điều trị bằng phẫu thuật cắt chi.

Các phương pháp điều trị loét chân ở người tiểu đường

Mục tiêu chính trong điều trị loét chân là chữa lành vết thương càng sớm càng tốt để ngăn chặn nhiễm trùng lan rộng.

Nếu vết loét đã nhiễm trùng thì cần điều trị bằng kháng sinh, chăm sóc vết thương và có thể phải nhập viện. Nếu bác sĩ nghi ngờ nhiễm trùng nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang để tìm dấu hiệu nhiễm trùng xương. Các phương pháp điều trị loét chân bao gồm:

Điều trị dự phòng và giảm áp lực bàn chân

Khi chưa bị nhiễm trùng, bạn chỉ cần tuân thủ điều trị dự phòng bằng cách kết hợp các phương pháp:

  • Kiểm soát đường huyết chặt chẽ trong giới hạn cho phép.
  • Giữ vết thương sạch, khô ráo
  • Làm sạch vết thương hàng ngày, sử dụng băng gạc
  • Tránh đi chân trần
  • Giảm tải áp lực bàn chân: Bạn có thể được yêu cầu đeo nẹp, sử dụng quần chuyên dụng hoặc xe lăn, nạng. Những thiết bị này sẽ làm giảm áp lực và kích thích đến khu vực có vết loét và giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành.

Dùng thuốc chống bội nhiễm

Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh, thuốc chống tiểu cầu hoặc thuốc chống đông máu để điều trị loét nếu tình trạng nhiễm trùng tiến triển. Nếu bạn đang gặp vấn đề sức khỏe khác như HIV, bệnh gan… vì các bệnh này cũng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng.

 Chăm sóc vết thương tại chỗ

Điều trị loét bàn chân tiểu đường bằng băng gạc chuyên dụng

Điều trị loét bàn chân tiểu đường bằng băng gạc chuyên dụng

Bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị tại chỗ như:

  • Băng gạc có chứa kem bạc hoặc bạc sulphadiazine
  • Polyhexamylene biguanide (PHMB) gel hoặc dung dịch
  • I-ốt (hoặc Povidone hoặc cadexome)
  • Mật ong y tế ở dạng thuốc mỡ hoặc dạng gel

Xem thêm: 8 mẹo chăm sóc bàn chân cho người tiểu đường cực đơn giản tại nhà 

Phẫu thuật

Đây là lựa chọn cuối cùng đề điều trị loét chân do tiểu đường khi việc dùng thuốc hay các loại kem bôi đều không có hiệu quả. Các phương pháp phẫu thuật phổ biến bao gồm: Nạo, cắt vùng xương bị nhiễm trùng, tháo khớp…

Thời gian phục hồi sau phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như kích thước và vị trí vết thương; áp lực lên vết thương khi đi, đứng; lưu thông máu ở chân; tình trạng đường huyết; cách chăm sóc vết thương… Thông thường, người bệnh sẽ phục hồi sau vài tuần hoặc vài tháng.

Phòng ngừa loét chân, đoạn chi do tiểu đường

Cách tốt nhất để điều trị loét chân do tiểu đường là ngăn chặn sự phát triển của nó ngay từ đầu. Dưới đây là 4 cách giúp bạn phòng ngừa biến chứng này:

Thường xuyên đi khám

Khi đã mắc tiểu đường, bạn cần xác định là căn bệnh này không chữa được và buộc phải chủ động phòng ngừa biến chứng. Ít nhất 6 tháng 1 lần, bạn nên đi khám tại các bệnh viện chuyên khoa nội tiết để kiểm tra chức năng, độ nhạy cảm giác của bàn chân. Bác sĩ sẽ giúp bạn phát hiện sớm biến chứng nếu có.

Thường xuyên đi khám giúp phát hiện sớm biến chứng bàn chân

Thường xuyên đi khám giúp phát hiện sớm biến chứng bàn chân

Tránh các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ loét chân, bao gồm:

  • Đi giày dép không vừa chân, quá chật hoặc quá lỏng đều có thể gây tổn thương bàn chân
  • Không vệ sinh sạch sẽ bàn chân
  • Cắt tỉa móng chân không đúng cách vô tình tạo ra vết thương khi cắt hoặc do móng chân cọ vào da
  • Uống rượu, bia
  • Biến chứng mắt của bệnh tiểu đường gây giảm thị lực, người bệnh không kiểm tra được bàn chân một cách kỹ lưỡng và chính xác.
  • Biến chứng tim mạch, thận
  • Béo phì
  • Sử dụng thuốc lá (gây giảm lưu thông máu đến chân)
  • Nam giới cao tuổi

Kiểm tra bàn chân

Kiểm tra bàn chân của bạn mỗi ngày, đặc biệt là phần lòng bàn chân và kẽ ngón chân. Hãy để ý xem có vết cắt, vết bầm tím, vết nứt, mụn nước, đỏ, loét và bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hay không.

Nếu phát hiện sớm thì việc điều trị loét bàn chân tiểu đường sẽ không quá khó. Vì vậy, bạn hãy dành thời gian nhiều hơn để chăm sóc bàn chân của mình mỗi ngày. Đừng để biến chứng tiểu đường khiến bạn trở nên phụ thuộc vào chiếc nạng, chiếc xe lăn hay người khác. 

Nguồn tham khảo: 

https://www.healthline.com/health/diabetic-foot-pain-and-ulcers-causes-treatments#prevention

https://www.apma.org/diabeticwoundcare

https://www.uptodate.com/contents/management-of-diabetic-foot-ulcers