Tiểu đường là một bệnh lý phức tạp. Không chỉ đơn thuần là đường huyết tăng cao, tiểu đường còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, bên cạnh thuốc hạ đường huyết, các thuốc chống biến chứng tiểu đường cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Tổ chức y tế WHO thống kê trên thế giới có khoảng 1,6 triệu người chết vì tiểu đường (*). Cụ thể hơn là do biến chứng của bệnh.

Có 2 nhóm biến chứng tiểu đường: cấp tính (hạ đường huyết, tăng đường huyết) và mạn tính (tim, thận, thần kinh, bàn chân, mắt, da…). Trước đây, chủ yếu người bệnh chết vì nhóm biến chứng cấp tính. Nhưng hiện nay, khi y học tìm ra nhiều thuốc hạ đường huyết khác nhau thì biến chứng mạn tính lại chiếm đa số. Nhiều thống kê còn chỉ rõ, 65% trong số ca tử vong ở người tiểu đường là do biến chứng tim mạch.

Đã có nhiều nghiên cứu được tiến hành để tìm ra loại thuốc vừa hạ đường huyết vừa chống biến chứng. Tuy nhiên, chỉ một số loại được cấp phép và hiệu quả còn hạn chế. Vì vậy, bác sĩ vẫn kết hợp dùng thuốc hạ đường huyết và thuốc điều trị cho từng biến chứng để giúp người bệnh đạt được cùng lúc 2 mục tiêu này.

Một số thuốc điều trị biến chứng của bệnh tiểu đường

Biến chứng tim mạch

Thuốc chống biến chứng tiểu đường trên tim mạch chủ yếu tập trung vào việc ổn định mỡ máu và hạ huyết áp. Bởi đây là vấn đề nền tảng của tất cả các rủi ro tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

  • Thuốc hạ huyết áp: lựa chọn đầu tay là thuốc ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể angiotensin II. Nếu vẫn không đạt mục tiêu 130/80 mmHg sẽ kết hợp thêm nhóm lợi tiểu thiazid hoặc furosemid.
  • Thuốc giảm mỡ máu: Ưu tiên sử dng thuốc nhóm Statin, sau đó đến nhóm fibrat.
  • Thuốc chống đông máu: Aspirin được sử dụng phòng ngừa nhồi máu cơ tim và đột quỵ cho người tiểu đường có nguy cơ tim mạch. Nếu người bệnh dị ứng aspirin thì chuyển sang sử dụng clopidogrel, kết hợp 2 loại nếu có tiền sử hội chứng mạch vành cấp.

Cục quản lý dược Hoa Kỳ (FDA) năm 2018 đã công nhận 3 thuốc tiểu đường Liraglutide, Empagliflozin, Canagliflozin có thể làm giảm nguy cơ tử vong ở người tiểu đường có bệnh tim mạch do xơ vữa. Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc giảm số lượng thuốc sử dụng cho bệnh nhân tiểu đường trong khi vẫn đạt mục tiêu điều trị.

Xem thêm: Biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường: Làm sao để phòng ngừa?

Biến chứng thần kinh

Tùy theo việc hệ thần kinh nào bị biến chứng, ngoại vi hay tự chủ mà lựa chọn thuốc sẽ khác nhau. Cụ thể:

Thần kinh tự chủ

  • Trên tim mạch: thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm, fluorohydrocortison, dihydroergostamin (Tamik), octreotid.
  • Tiêu hóa: điều trị triệu chứng khó chịu dạ dày bằng metoclopromid, domperidon, cisaprid, erythromycin. Chứng táo bón: sorbitol hoặc lactulos, octreotid. Tiêu chảy: metronidazol, loperamid, cholestiramin, octreotid.
  • Tiết niệu: bàng quang giảm hoạt động dùng ambenonium chlorure, tăng hoạt động sử dụng oxybutinin.
  • Sinh dục: Nam giới rối loạn cương dương điều trị triệu chứng bằng sildenafil, vardenafil. Nữ bôi kem chứa estrogen tại chỗ hoặc liệu pháp thay thế hormon.
  • Thần kinh vận mạch làm tăng/giảm tiết mồ hôi: scopolamin, thuốc giãn mạch

Hình ảnh biến chứng bệnh tiểu đường trên thần kinh vận mạch

Hình ảnh biến chứng bệnh tiểu đường trên thần kinh vận mạch

Thần kinh ngoại vi

Sử dụng nhiều nhất là ibuprofen, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, carbamazepin, gapabentin, pregabalin để giảm đau và làm chậm tiến triển của bệnh.

Các nước châu Âu hiện đang sử dụng thêm axit alpha lipoic để hỗ trợ giảm kháng insulin, chữa trị tổn thương thần kinh do tiểu đường. Chất này làm giảm triệu chứng đau, ngứa ran, châm chích ở bàn chân đồng thời bảo vệ võng mạc khỏi một số thiệt hại do đường huyết cao.

Xem thêm: Những điều cần biết về biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường

Bệnh võng mạc tiểu đường

Những nghiên cứu gần đây cho thấy việc dùng các thuốc tiêm kháng VEGF (tác dụng chống tăng sinh mạch máu) giúp giảm nguy cơ mất thị lực không thua kém laser quang đông (phương pháp điều trị bệnh võng mạc tiểu đường truyền thống). Các thuốc này bao gồm:

  • Ranibizumab (Lucentis) kê đơn cho tất cả các dạng bệnh võng mạc tiểu đường, thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác, phù hoàng điểm sau khi tắc tĩnh mạch võng mạc, rối loạn thần kinh màng đệm cơ mắt và phù hoàng điểm tiểu đường.
  • Aflibercept intvitreal (Eylea) ngăn ngừa sự hình thành mạch máu mới. Thuốc được chỉ định cho bệnh võng mạc tiểu đường có phù hoàng điểm và thoái hóa điểm vàng.

Ngoài ra, bạn có thể được chỉ định Triamcinolone acetonide (Triesence) nếu bị viêm mắt hoặc phù hoàng điểm do tiểu đường.

Biến chứng loét bàn chân

Người bệnh bị loét bàn chân có nhiễm trùng ở mức độ nhẹ sẽ được điều trị bằng kháng sinh đường uống phổ rộng trong khoảng 1 - 2 tuần. Chẳng hạn như oxacillin, cephalosporin thế hệ 1, amoxicillin + clavulanat, clindamycin.

Với nhiễm trùng từ trung bình đến nặng, người bệnh phải nhập viện và tiêm kháng sinh, gồm có cephalosporin thế hệ 3, clindamycin, oxacillin, vancomycin,….

Điều trị loét bàn chân tiểu đường khá phức tạp. Do đó hiện nay, các bác sĩ vẫn khuyến cáo người bệnh phải chăm sóc bàn chân hàng ngày để dự phòng nguyên nhân này.

Bảo vệ bàn chân rất quan trọng để chống biến chứng tiểu đường ở chân

Bảo vệ bàn chân rất quan trọng để chống biến chứng tiểu đường ở chân

Biến chứng suy thận

Thuốc điều trị gồm:

  • Irbesartan (Avapro) chữa bệnh thận đái tháo đường kèm tăng huyết áp.
  • Thuốc chẹn kệnh canxi kiểm soát tăng huyết áp liên quan đến suy giảm chức năng thận.
  • Thuốc lợi tiểu quai giúp tăng bài tiết nước tiểu, giãn mạch thận, giảm sức cản mạch máu thận, nhờ đó lưu lượng máu đến thận được tăng cường. Phổ biến nhất là furosemide (Lasix), hydrochlorothiazide (Esidrix, HydroDIURIL, Microzide), Bumetanide (Bumex)
  • Enalapril, lisinopril, losartan, telmisartan để kiểm soát huyết áp ở người bị tiểu đường có biến chứng thận.

Xem thêm: Biến chứng thận của bệnh tiểu đường - Thông tin từ AZ

Giải pháp hỗ trợ cải thiện biến chứng từ thảo dược

Những năm trở lại đây, nhiều nghiên cứu hiện đại làm sáng tỏ hiệu quả của một số loại thảo dược trong việc kéo dài thời gian biến chứng của bệnh tiểu đường như:

  • Hoài sơn (củ mài): hỗ trợ giảm đường huyết sau khi ăn, ngăn ngừa biến chứng thần kinh ngoại biên tiểu đường.
  • Mạch môn: giúp hạ mỡ máu, chống viêm mạnh, phục hồi tuyến tụy và giảm sự đề kháng insulin. Mạch môn đặc biệt hữu ích trong dự phòng biến chứng thận tiểu đường.
  • Nhàu: Hỗ trợ chống oxy hóa, chống viêm, giảm mỡ máu xấu nhờ đó bảo vệ mạch máu khỏi tổn thương khi đường huyết cao.
  • Câu kỷ tử: Giúp ổn định đường huyết sau ăn, giảm oxy hóa trong máu và bảo vệ hệ thần kinh, võng mạc mắt.

Người bệnh có thể bổ sung thường xuyên tinh chất các thảo dược này kết hợp với Alpha lipoic acid bằng một số sản phẩm hỗ trợ để nâng cao hiệu quả chống biến chứng.

Biến chứng bệnh tiểu đường, đặc biệt là type 2 có thể phát triển ở mọi thời điểm. Bởi vậy, người bệnh nên có giải pháp phòng ngừa ngay từ đầu và tái khám thường xuyên để sử dụng thuốc chống biến chứng tiểu đường nếu cần.

 

* Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Tham khảo:

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/diabetes

https://emedicine.medscape.com/article/1225122-medication#2

https://emedicine.medscape.com/article/238946-medication

https://emedicine.medscape.com/article/460282-treatment#d8

https://emedicine.medscape.com/article/237378-medication

https://emedicine.medscape.com/article/1170337-overview

https://www.webmd.com/diabetes/supplement-guide-alpha-lipoic-acid#1