Metformin, Diamicron, Insulin là 3 thuốc điều trị tiểu đường được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn, người bệnh cần nắm rõ công dụng, tác dụng phụ cũng như các lưu ý khi sử dụng của từng loại thuốc. Tất cả những thông tin này sẽ được BS. Nguyễn Huy Cường, Nguyên Phó trưởng khoa Đái tháo đường Bệnh viện Nội tiết trung ương giải đáp trong bài viết dưới đây.
BS Nguyễn Huy Cường - Nguyên Phó trưởng khoa Đái tháo đường Bệnh viện Nội tiết TW
Các loại Metformin (Glucophage) thường gặp
Metformin là thuốc điều trị đầu tay cho người bệnh tiểu đường tuýp 2. Thuốc có 2 dạng, Metformin (Glucophage) thường và Metformin (Glucophage) XR.
Trước đây, hầu hết người bệnh chỉ được sử dụng Metformin (Glucophage) loại thông thường. Tuy nhiên, loại này tan rất nhanh trong đường tiêu hóa và khiến nhiều người bệnh bị tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Do đó, hiện nay, thế giới đã sản xuất ra dạng Metformin ưu việt hơn là Metformin (Glucophage) XR.
Theo BS Nguyễn Huy Cường, Metformin (Glucophage) XR có 2 ưu điểm nổi bật là:
- Ít gây rối loạn tiêu hóa: Do thuốc được tan từ từ trong đường tiêu hóa nên có thể giảm 50% cảm giác khó chịu cho người bệnh.
- Giảm số lần uống thuốc: Metformin (Glucophage) XR hấp thu chậm hơn dạng thông thường. Điều này cho phép người bệnh có thể gộp số lần uống thuốc. Ví dụ, thay vì uống 4 viên Metformin dạng thường thành 4 lần, người bệnh có thể uống 2 lần Metformin XR với liều tương đương.
Nhờ những lợi ích này, hiện nay dạng XR đang được kê đơn rất phổ biến.
Tác dụng phụ của Metformin (Glucophage)
Chia sẻ về tác dụng phụ của Metformin, BS Nguyễn Huy Cường cho biết: “Có khá nhiều người bệnh dùng Metformin gặp tác dụng phụ. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người bệnh và sẽ giảm dần theo thời gian sử dụng thuốc. Cụ thể, khi uống Metformin, người bệnh có thể bị đầy bụng, đầy hơi, thậm chí tiêu chảy. Những trường hợp này nếu sau vài ngày không hết, bác sĩ chỉ cần đổi sang Metformin của hãng khác sản xuất hoặc chuyển sang dạng XR”
Ngoài ra, Metformin có thể làm xuất hiện vị lạ trong miệng gây chán ăn. Nhưng ở những người bệnh tiểu đường đang thừa cân, ăn nhiều, tác dụng phụ này lại có lợi. Bởi khi chán ăn, người bệnh ăn ít đi nên đường máu cũng giảm tốt hơn.
Metformin (Glucophage) có nhiều hàm lượng 500mg, 850mg và 1000mg.
Sự khác biệt giữa insulin nhanh, chậm & insulin mix
Insulin là hormon duy nhất trong cơ thể có tác dụng giảm đường máu. Ở người bệnh tiểu đường tuýp 1, tuyến tụy không sản xuất được insulin nên buộc phải tiêm insulin suốt đời. Với tiểu đường tuýp 2, thường chỉ trong các trường hợp như bệnh nặng lên (thuốc uống không còn hiệu quả) hoặc HbA1c ≥ 10%, đường huyết ≥ 300mg/dl, nhiễm toan, chuẩn bị phẫu thuật, mang thai… mới phải tiêm insulin.
Thông thường, người bệnh sẽ được dùng 4 loại insulin chia theo thời gian tác dụng là insulin nhanh, chậm, bán chậm (trung bình) và insulin mix (insulin hỗn hợp của insulin nhanh và insulin bán chậm).
Insulin nhanh thường được dùng ngay các bữa ăn để giảm đường máu sau ăn 1 - 2h. Nhưng do cơ thể cần kiểm soát đường máu trong cả ngày nên cần phối hợp với insulin chậm, bán chậm, insulin hỗn hợp để giảm đường máu tại các thời điểm xa bữa ăn.
Cách tiêm insulin tránh tác dụng phụ
Insulin sẽ được chia theo nồng độ 1 ml có 40 đơn vị UI, 1ml có 100 đơn vị UI. Do vậy, khi đi mua bơm tiêm, người bệnh phải biết mình đang dùng loại nào để chọn đúng. Ví dụ đang dùng thuốc 1ml 40 UI thì phải lấy bơm tiêm chia vạch 1ml ở 40 đơn vị (nắp màu đỏ). Trường hợp đang dùng thuốc 1ml 100 đơn vị phải chọn bơm tiêm chia vạch 1ml ở 100 đơn vị (nắp màu vàng).
Theo BS Nguyễn Huy Cường, trên thị trường còn có loại bơm tiêm nắp màu trắng có 2 thang chia vạch. Một thang chia 1ml ở vị trí 80UI, 1 thang chia 1 ml ở 100UI. Nhiều người bệnh không chú ý nên lấy sai liều. Tốt nhất người bệnh không nên dùng loại bơm tiêm này. Nếu có điều kiện kinh tế, người bệnh có thể cân nhắc dùng bút tiêm insulin thay bơm tiêm. Thiết bị này có ưu điểm là ít gây đau và dễ lấy liều một cách chính xác.
Ngoài lưu ý khi chọn bơm tiêm, khi dùng insulin, người bệnh còn có thể gặp các tác dụng phụ sau:
- Đường huyết tăng hạ thất thường: Do tiêm không đúng liều, đúng loại. Để tránh tình trạng này, người bệnh cần ghi rõ trên nhãn thời gian tiêm. Đồng thời theo dõi đường máu, nếu đường máu tăng giảm thất thường, cần báo bác sĩ để thay đổi phác đồ điều trị.
- Loạn dưỡng mỡ dưới da: Xuất hiện khi người bệnh thường xuyên tiêm insulin trên một vùng da. Vùng da bị tiêm nhiều lần có thể phồng lên hoặc lõm xuống, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu insulin và đường máu. Để khắc phục, người bệnh có thể mở rộng vùng tiêm ra mặt sau bắp tay, mông, vùng đùi...
Các vị trí trên cơ thể có thể tiêm insulin.
Ưu điểm của Diamicron (Gliclazide) MR
Diamicron (Gliclazide) là thuốc hạ đường huyết nhóm sulfamid. Hiện nay, người bệnh tiểu đường đang được sử dụng 3 loại Diamicron bao gồm: Diamicron 80mg, Diamicron MR 30mg và Diamicron MR 60mg.
Diamicron 80mg là loại được bào chế theo công nghệ cũ. Khi sử dụng dạng thuốc này, thuốc được hấp thu vào máu rất nhanh. Do vậy, mỗi ngày, người bệnh có thể phải uống tới 3 viên Diamicron 80mg vào 3 bữa ăn gây quên uống thuốc. Và để khắc phục điều này, thế giới đã bào chế ra dạng hấp thu chậm, ký hiệu MR.
Theo BS Nguyễn Huy Cường: “Ưu điểm của Diamicron MR là khả năng giải phóng chậm. Sau khi uống thuốc, thuốc sẽ được hấp thu dần dần từ đường tiêu hóa vào máu. Điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng quên thuốc. Bởi thay vì phải 3 - 4 lần, người bệnh tiểu đường chỉ cần uống 1 - 2 lần trong ngày mà vẫn kiểm soát tốt đường huyết.”
Liều dùng và tác dụng phụ của Diamicron
Liều dùng của Diamicron thường từ ½ đến 4 viên Diamicron 80mg một ngày, uống trước bữa ăn. Riêng với dạng MR, người bệnh chỉ có thể dùng tối đa 4 viên MR 30mg hoặc 2 viên Diamicron MR 60mg, uống bất cứ thời điểm nào. Lưu ý, khi uống Diamicron MR, bạn phải uống cả viên, không được nghiền hay nhai.
Tác dụng phụ thường gặp nhất của Diamicron là hạ đường huyết do liều dùng chưa phù hợp. Khi có dấu hiệu bị hạ đường huyết (vã mồ hôi, bủn rủn chân tay, hoa mắt, chóng mặt, đói…), người bệnh cần nhanh chóng ăn các thức ăn chứa đường dạng hấp thu nhanh. Ví dụ như 1 cốc nước đường, 1 ly nước trái cây, 2 - 3 viên kẹo, 1 thìa mật ong. Đồng thời theo dõi trong nhiều ngày liên tiếp, nếu chế độ ăn không tập luyện không có gì thay đổi mà vẫn thường xuyên bị hạ đường huyết, cần báo với bác sĩ để được giảm liều.
Diamicron cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa. Tác dụng phụ này thường hết sau vài ngày. Vì vậy, người bệnh không nên tự bỏ thuốc ngay, nên theo dõi. Nếu vẫn còn triệu chứng, người bệnh cần báo với bác sĩ để đổi sang dạng hấp thu chậm MR hoặc đổi sang thuốc khác.
Ngoài ra, Diamicron còn có một số tác dụng phụ khác là gây sạm da khi dùng lâu ngày hoặc làm giảm lượng bạch cầu trong máu. Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Huy Cường các tác dụng phụ này rất hiếm gặp nên người bệnh không cần quá lo lắng.
Tác dụng phụ thường gặp nhất của Diamicron là hạ đường huyết và rối loạn tiêu hóa.
Hy vọng với những tư vấn của BS Nguyễn Huy Cường trên đây, người bệnh có thể hiểu rõ hơn về các loại thuốc Metformin, Diamicron hay Insulin mà mình đang sử dụng. Nếu có băn khoăn khác, bạn có thể đặt câu hỏi dưới đây hoặc gọi tới số 0981 238 219 để được chuyên gia giải đáp.
Bên cạnh đó, người bệnh đái tháo đường muốn kiểm soát chỉ số đường huyết đơn giản mà không phải phụ thuộc nhiều vào thuốc tây y có thể kết hợp với giải pháp từ thảo dược. So với thuốc tây, thảo dược giúp hỗ trợ giảm đường huyết chậm nhưng an toàn hơn, không gây hạ đường huyết quá mức hay tác dụng phụ trên gan thận. Một số thảo dược như Câu kỷ tử, Nhàu, Hoài sơn, Mạch môn… ngoài ổn định đường huyết tốt còn hỗ trợ giảm nhanh các biến chứng tiểu đường như tê bì tay chân, mờ mắt, tiểu nhiều, da khô ngứa ngáy…
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Huy Cường