Với những tín hiệu đáng mừng của phương pháp điều trị tiểu đường bằng tế bào gốc, người bệnh tuýp 1, tuýp 2 hoàn toàn có thể hy vọng đây sẽ là phương pháp chữa khỏi tiểu đường trong tương lai.
Tế bào gốc được kỳ vọng có thể mang lại hiệu quả cao hơn các cách trị tiểu đường hiện tại.
Tế bào gốc là gì?
Tế bào gốc là các tế bào có khả năng tự tái tạo và phát triển thành các tế bào khác. Loại tế bào này có mặt ở rất nhiều các cơ quan trong cơ thể: tủy xương, cuống rốn, tủy răng, máu ngoại vi. Nhờ các tính năng “đặc biệt” này, tế bào gốc được sử dụng khá nhiều trong điều trị để thay thế cho các tế bào bị tổn thương.
Lợi ích của tế bào gốc trong điều trị tiểu đường
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh tiểu đường (đái tháo đường). Chẳng hạn như thay đổi chế độ ăn, tập luyện, tiêm Insulin và uống thuốc hạ đường huyết. Những phương pháp này có thể làm giảm hoặc trì hoãn sự phát triển của tiểu đường cũng như các biến chứng liên quan. Tuy nhiên, chúng không giải quyết được gốc rễ của bệnh là sự suy yếu của tế bào beta tuyến tụy. Cấy ghép tế bào gốc có tiềm năng giải quyết được vấn đề này.
Các nhà khoa học kỳ vọng, sau khi cấy ghép tế bào gốc vào cơ thể người bệnh tiểu đường, các tế bào này sẽ thay thế toàn bộ tế bào beta đảo tụy bị suy yếu. Nhờ đó, người bệnh có thể phục hồi khả năng tiết insulin bình thường không phải phụ thuộc vào thuốc điều trị.
Phương pháp cấy ghép tế bào gốc đã được ứng dụng trong điều trị cả tiểu đường tuýp 1, tuýp 2. Kết quả nghiên cứu cho thấy, người bệnh được cấy ghép tế bào gốc kiểm soát đường huyết tốt hơn. Cụ thể: trong vòng 2 - 3 tháng sau khi điều trị với tế bào gốc, 100% trường hợp bệnh nhân tiểu đường typ1 giảm được liều tiêm insulin, với liều insulin ban đầu trung bình 0,76 ± 0,06 đơn vị/kg/ngày. 65% trường hợp trong đó giảm được các triệu chứng của bệnh, giảm ½ liều tiêm insulin so với liều ban đầu. Một số còn bỏ được hẳn việc điều trị bằng insulin.
Người bệnh tiểu đường được cấy ghép tế bào gốc có thể giảm liều tiêm insulin.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy, người bệnh dùng tế bào gốc cũng ít bị căng thẳng, stress, tỷ lệ trầm cảm giảm. Những người bệnh bị nhiễm trùng hồi phục nhanh hơn. Tình trạng thiếu máu ở những bệnh nhân tiểu đường bị suy thận mạn tính cũng cải thiện đáng kể.
Nhìn chung, khả năng chữa khỏi hoàn toàn bệnh tiểu đường của phương pháp tế bào gốc vẫn cần nghiên cứu và thử nghiệm thêm. Tuy nhiên, tế bào gốc được coi là 1 trong 3 phương pháp điều trị tiểu đường mới hiệu quả nhất hiện nay.
Ứng dụng tế bào gốc trị tiểu đường tại Việt Nam
Phương pháp cấy ghép tế bào gốc hiện đang được thử nghiệm tại bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (Q10, TP HCM). Bước đầu, thử nghiệm đã cho những kết quả tích cực.
Sau 9 tháng điều trị bằng tế bào gốc, chỉ số đường huyết của bệnh nhân giảm xuống mức cho phép: đường huyết khi đói 6.03 mmol/dl, sau ăn 2h 10.10 mmol/l và HbA1c 6.8%. Bệnh nhân được giảm liều thuốc uống và ngừng tiêm insulin.
Mặc dù hiệu quả của phương pháp điều trị tiểu đường bằng tế bào gốc vẫn còn cần theo dõi thêm. Nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng với người bệnh tiểu đường tại Việt Nam. Hy vọng trong tương lai gần, phương pháp điều trị mới này sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn.
Nguồn: emcell.com, benhvienvanhanh.com