Bệnh tiểu đường có thể gây nguy hiểm cho đôi chân của bạn. Ngay cả một vết xước, vết thương nhỏ cũng có thể gây hậu quả lớn, không chỉ là lâu lành mà còn dễ nhiễm trùng, loét và hoại tử. Các chuyên gia Nội tiết Đái tháo đường khuyến cáo: Điều trị loét bàn chân tiểu đường rất khó khăn. Vì vậy người bệnh nên phòng ngừa rủi ro này ngay từ khi nó chưa xuất hiện bằng cách chăm sóc bàn chân mỗi ngày.
Dưới đây là hướng dẫn chăm sóc bàn chân giúp người bệnh tiểu đường giúp hạn chế nguy cơ biến chứng loét chân, đoạn chi:
Giữ bàn chân sạch sẽ khô ráo
Người tiểu đường thường có hệ miễn dịch kém hơn bình thường. Vì vậy, họ dễ bị vi khuẩn tấn công hơn. Việc giữ bàn chân sạch sẽ sẽ giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại trên da, từ đó giảm nguy cơ nhiễm nấm, nhiễm trùng ở bàn chân.
Mỗi ngày, người bệnh nên rửa bàn chân bằng nước sạch, tốt nhất là nước ấm có pha xà phòng có độ pH trung tính. Sau khi rửa chân, cần dùng khăn khô sạch thấm hết nước trên bàn chân, đặc biệt là ở các kẽ ngón chân.
Một số lưu ý khác khi lau rửa bàn chân:
- Rửa nhẹ nhàng, không dùng đá bọt chà xát mạnh lên da.
- Cần đo nhiệt độ nước trước khi rửa bằng nhiệt kế (khoảng 37*C) hoặc dùng khuỷu tay để cảm nhận độ nóng, tránh bị bỏng.
- Không rửa chân, ngâm chân quá lâu, chỉ nên ngâm chân dưới 5 phút.
- Có thể sử dụng bột talc (mua tại hiệu thuốc) thoa lên chân để giữ chân khô ráo.
- Nếu thấy da khô, có thể thoa kem dưỡng ẩm. Nhưng mỗi lần thoa chỉ thoa lượng vừa phải, thoa mỏng và không thoa vào kẽ chân.
Bạn cần lau khô chân sau khi rửa, đặc biệt là ở các kẽ chân.
Kiểm tra bàn chân hàng ngày
Khi bị tiểu đường, bạn sẽ khó cảm nhận được các cơn đau khi va chạm hay cảm giác nóng lạnh. Do đường huyết cao làm gián đoạn tín hiệu giao tiếp giữa não bộ với các cơ quan. Khi những vết thương, vết xước không được phát hiện sớm, chúng sẽ dễ bị vi khuẩn tấn công.. Càng để lâu, vết thương càng lan rộng hoặc ăn sâu vào bàn chân.
Để kiểm tra bàn chân, hãy chọn nơi đủ ánh sáng, đặt 1 tấm gương dưới lòng bàn chân và kiểm tra toàn bộ bàn chân kể cả vùng kẽ chân. Những dấu hiệu bạn cần chú ý là:
- Vết thâm, vết phồng rộp, mụn nước.
- Các vùng da nóng đỏ/sưng bất thường
- Vết thương, vết xước trên da.
- Các nốt chai chân.
- Da khô, bong tróc.
Nếu phát hiện các nốt chai, vết thâm, phồng rộp, da nóng đỏ/sưng hay vết loét, vết thương lớn, cần đến ngay bệnh viện (đặc biệt là các bệnh viện có khoa chăm sóc bàn chân) để thăm khám. Trường hợp chỉ có những vết thương, vết xước nhỏ, không thấy dấu hiệu nhiễm trùng (đỏ, chảy nước, chảy mủ, có mùi), có thể theo dõi và chăm sóc tại nhà.
Nếu thấy vết loét ở bàn chân, hãy đến khoa chăm sóc bàn chân đái tháo đường thăm khám.
Thường xuyên cắt móng chân
Móng chân cũng là 1 bộ phận dễ bị tổn thương. Khi bạn bị tiểu đường, móng chân bạn sẽ dễ gãy hoặc cong quặp vào bên trong gây ra các vết thương hở. Vì vậy, cắt móng chân đúng cách cũng giúp người bệnh hạn chế được nguy cơ bị loét chân.
Tốt nhất ngay sau khi rửa chân vào buổi tối, người bệnh nên kiểm tra xem móng chân có dài hay không để xử lý ngay. Thời điểm sau khi rửa chân cũng là lúc móng khá mềm, dễ cắt hơn.
Khi cắt móng chân, bạn cần cắt theo đường ngang, không cắt sát vào phần thịt của ngón chân. Với hai cạnh hai bên, phải dùng giũa giũa cho cùn. Đặc biệt, không tự ý xử lý các móng chân bị quặp. Nếu phát hiện, bạn cần đến các cơ sở y tế để bác sĩ xử lý.
Người bệnh tiểu đường nên cắt móng chân theo chiều ngang.
Luôn đi giày tất kể cả ở trong nhà
Giày tất giúp bảo vệ bàn chân khỏi trầy xước. Tuy nhiên, không phải loại giày tất nào cũng phù hợp với người tiểu đường.
Lưu ý khi chọn tất:
- Chất liệu cotton hoặc len mềm.
- Chiều dài vừa phải, không dùng tất dài đến đầu gối.
- Không bó chặt ở phần cổ tất.
- Đường may không thô ráp.
Lưu ý khi chọn giày:
- Chọn giày đế bằng, giày kín mũi, kín gót.
- Nên dùng giày da mềm hoặc giày thể thao.
- Lót giày nhẵn, sờ bên trong không bị gồ.
Người bệnh nên thay tất mới mỗi ngày, bỏ các đôi tất đã bị rách (không vá lại để tái sử dụng). Trước khi đi giày tất, cần dùng thay kiểm tra xem bên trong có vật gì không. Riêng với giày mới, những ngày đầu chỉ nên đi khoảng 1 tiếng, sau đó tăng dần số giờ đi.
Đi giày tất vừa vặn giúp phòng ngừa biến chứng bàn chân tiểu đường.
Chăm sóc vết thương đúng cách
Những trường hợp có vết thương, vết loét sẽ cần được chăm sóc kỹ lưỡng hơn để hạn chế nhiễm trùng và tăng tốc độ làm lành vết thương.
- Với vết thương nhỏ, vết xước da chưa bị nhiễm trùng (không sưng tấy, không chảy nước, hồng hào): Bạn cần rửa vết thương bằng nước muối sinh lý 0.9% hoặc Povidine pha loãng. Hạn chế dùng oxy già hoặc povidon đặc vì có thể khiến vết thương bị tổn thương sâu hơn. Sau khi rửa xong, dùng bông thấm khô nước và băng lại bằng gạc sạch hoặc băng keo y tế. Lưu ý, trước khi vệ sinh vết thương cần rửa tay sạch với xà phòng. Đồng thời phải kiểm tra tiến triển của vết thương hàng ngày. Nếu vết thương lâu lành (>2 tuần chưa lành), có mùi, chảy mủ, xuất hiện các mô hoại tử màu đen hoặc sưng tấy, cần đến ngay bệnh viện.
- Với vết loét, vết thương nhiễm trùng, lâu lành: Bắt buộc phải tới bệnh viện (đặc biệt bệnh viện có khoa chăm sóc bàn chân đái tháo đường) để bác sĩ xử lý. Bác sĩ sẽ căn cứ vào độ sâu rộng và mức độ nhiễm trùng của vết thương để kê kháng sinh phù hợp. Người bệnh không nên tự ý rắc bột kháng sinh lên vết loét hoặc đắp các loại lá theo kinh nghiệm truyền miệng. Bởi điều này khiến vết loét bị bí, có thể ăn sâu vào phía trong bàn chân, càng khó điều trị hơn.
Vết thương, vết loét ở người tiểu đường cần được chăm sóc cẩn thận.
Hạn chế gây áp lực lên bàn chân
Một trong 3 nguyên nhân dẫn đến biến chứng bàn chân ở người bệnh tiểu đường là việc giảm lưu lượng máu tới nuôi dưỡng bàn chân. Để khắc phục vấn đề này, bạn cần
- Tập thể dục cho bàn chân bằng cách đi bộ, đạp xe… Nhưng nếu đang có vết thương, vết loét, hoặc bàn chân bị biến dạng nên chọn đạp xe thay vì đi bộ.
- Không ngồi bắt chéo chân.
- Nên kê cao chân khi ngồi.
- Có thể xoa bóp chân để tăng lưu thông máu.
Sắp xếp đồ đạc trong nhà hợp lý
Người tiểu đường rất hay tỉnh dậy ban đêm để uống nước hoặc đi vệ sinh. Nếu đồ đạc trong phòng quá nhiều, dễ xảy ra va chạm làm người bệnh vì trầy xước hay bầm tím. Đặc biệt là người lớn tuổi mắc tiểu đường, khả năng giữ thăng bằng của họ còn giảm, nguy cơ bị va chạm càng lớn. Vì vậy, bản thân người bệnh và gia đình bên bố trí đồ đạc trong nhà thông thoáng. Tốt nhất nên chọn các đồ đạc có cạnh bo tròn để giảm nguy cơ bị thương khi vô tình đụng phải.
Người bệnh tiểu đường cần bố trí phòng ngủ thông thoáng để tránh va chạm.
Phòng ngừa biến chứng bàn chân bằng thảo dược
Biến chứng bàn chân ở người tiểu đường là vòng xoáy bệnh lý của 3 biến chứng phối hợp. Bao gồm biến chứng mạch máu (giảm tưới máu đến bàn chân), biến chứng thần kinh (giảm khả năng cảm nhận vết thương), biến chứng nhiễm trùng (hệ miễn dịch kém). Vì vậy để phòng ngừa biến chứng này hiệu quả, chăm sóc bàn chân hàng ngày là chưa đủ. Người bệnh cần đồng thời ngăn chặn được cả 3 nguyên nhân này.
Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, những hoạt chất sinh học có trong một số thảo dược truyền thống như Câu kỷ tử, Nhàu, Mạch Môn, Hoài Sơn... có tác dụng hỗ trợ chống lại quá trình đường huyết tăng cao gây tổn thương mạch máu, thần kinh, hỗ trợ kháng viêm và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng cho người bệnh.
Biến chứng bàn chân tiểu đường có thể gây ra nhiều rủi ro về cả thể chất và tinh thần cho người bệnh. Vì vậy, chủ động chăm sóc bàn chân hàng ngày kết hợp các giải pháp phòng ngừa biến chứng trong bài viết là cách bạn bảo vệ đôi chân của chính mình. Đừng để biến chứng tiểu đường hạ gục bạn chỉ vì 1 vết xước nhỏ!
* Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Tham khảo: healthline.com, everydayhealth.com, webmd.com