Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng dần theo độ tuổi, đặc biệt là tiểu đường tuýp 2. Theo thống kê, có tới 25% người trên 65 tuổi mắc bệnh tiểu đường. Để an hưởng tuổi già khỏe mạnh, bạn cần biết cách phòng chống bệnh tiểu đường cho người lớn tuổi ngay từ bây giờ.
Đâu là cách phòng chống tiểu đường cho người lớn tuổi hiệu quả nhất?
Tại sao người lớn tuổi lại dễ mắc bệnh tiểu đường?
Theo thời gian, chức năng của tuyến tụy bị suy giảm dần. Điều này đồng nghĩa với việc tuyến tụy sẽ không thể tiết ra đủ lượng insulin để cân bằng đường huyết. Đó là lý do chính khiến người cao tuổi dễ mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường ở những người trên 65 tuổi:
- Tình trạng kháng insulin tăng dần theo độ tuổi
- Khối lượng cơ ở người lớn tuổi giảm đi. Cơ là nơi dự trữ đường trong cơ thể, khi lượng cơ giảm sẽ làm cho đường không có nơi dự trữ và sẽ tích tụ trong máu, gây tăng đường huyết.
- Hoạt động thể chất hạn chế hơn so với người trẻ tuổi
Một số yếu tố khác bao gồm: Thừa cân béo phì, có bố mẹ mắc tiểu đường, ăn nhiều đồ ngọt, nhiều bệnh mắc kèm (huyết áp, tim mạch), dùng một số thuốc có tác dụng phụ là làm tăng đường huyết...
Người cao tuổi mắc tiểu đường sẽ có triệu chứng gì?
Triệu chứng của bệnh tiểu đường ở người lớn tuổi hầu như không khác gì so với độ tuổi trẻ hơn. Đó là các triệu chứng khá điển hình như:
- Mệt mỏi thường xuyên
- Đói nhiều, ăn nhiều nhưng sụt cân nhanh
- Khô họng, hay khát nước
- Đi tiểu nhiều, đặc biệt là về ban đêm
- Tê bì, châm chích tay chân, đau nhức bắp thịt
- Mắt đau nhức, nhìn mờ, hay chảy nước mắt
Mặc dù triệu chứng giống nhau nhưng bệnh tiểu đường ở người lớn tuổi lại khó phát hiện hơn, bởi vì các triệu chứng này thường không quá rõ ràng, chỉ xuất hiện khi đường huyết tăng cao. Một nguyên nhân nữa là do người bệnh bị nhầm lẫn, cho rằng đó chỉ là dấu hiệu của tuổi già.
Bệnh tiểu đường nguy hiểm với người lớn tuổi như thế nào?
Ở người lớn tuổi, hệ miễn dịch suy yếu cộng thêm nhiều bệnh mắc kèm như tăng huyết áp, mỡ máu, bệnh xương khớp... sẽ khiến cho việc kiểm soát đường huyết khó khăn hơn rất nhiều. Nếu đường huyết không được đưa về ngưỡng an toàn, người bệnh sẽ bị biến chứng tiểu đường trên toàn bộ cơ thể như mù hòa, suy thận, cắt cụt chi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim
Bệnh tiểu đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người lớn tuổi
Ngoài những biến chứng kể trên, tuổi tác cao còn làm suy giảm khả năng nhận thức, gây bệnh Alzheimer, làm tăng nguy cơ bị ngã, đột quỵ… Đó là lý do khiến người tiểu đường cao tuổi có nguy cơ tử vong cao hơn hẳn so với những nhóm tuổi khác.
Phòng chống bệnh tiểu đường ở người lớn tuổi như thế nào?
Mặc dù không thể tránh được quy luật lão hóa nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh tiểu đường nếu thực hiện những lời khuyên dưới đây:
Có chế độ ăn uống hợp lý
Ở người cao tuổi, hệ tiêu hóa thường yếu nên tốt nhất, bạn hãy chọn những món ăn chế biến thanh đạm (luộc, hấp), hạn chế thức ăn có nhiều dầu mỡ gây khó tiêu. Ngoài ra, người lớn tuổi cũng cần bỏ một số thói quen ăn uống kém lành mạnh như: Bỏ bữa hoặc gộp hai bữa làm một, chỉ ăn những thứ mình thích, ăn nhiều bánh kẹo ngọt… Trong chế độ ăn hàng ngày, người lớn tuổi cần bổ sung nhiều rau xanh, trái cây mọng, ít ngọt (bưởi, cam, ổi…), ngũ cốc, yến mạch, lạc, đậu phộng…
Ăn uống khoa học để kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa bệnh tiểu đường
Thường xuyên tập thể dục
Tập thể dục mang đến nhiều lợi ích cho người lớn tuổi như: kiểm soát tốt đường huyết, tăng cường lưu thông tuần hoàn máu, cải thiện trí nhớ, hạn chế trầm cảm, Alzheimer…
Người lớn tuổi nên thường xuyên vận động, từ những việc làm nhỏ như quét nhà, quét sân, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cây, làm vườn, đi dạo hay tham gia một số hoạt động tập thể như tập yoga, aerobic, đánh cầu lông…
Ngủ đủ giấc
Trằn trọc, khó ngủ thường xuyên xuất hiện khi tuổi tác tăng cao. Đây cũng là một trong các lý do khiến người lớn tuổi dễ bị trầm cảm, lo âu (stress) và làm tăng đường huyết.
Người lớn tuổi cần hạn chế những thói quen có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ như uống nước chè vào chiều tối, ăn bữa tối quá no… Một số biện pháp giúp bạn nhanh vào giấc ngủ hơn như uống 1 - 2 ngụm nước ấm trước khi ngủ (không nên uống quá nhiều vì dễ gây tiểu đêm), đi bộ nhẹ nhàng 10 - 15 phút để thư giãn đầu óc, đọc sách báo, xem tivi…
Quản lý tốt các bệnh lý mắc kèm
Người lớn tuổi nếu đang mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tim mạch… càng có nguy cơ cao bị tiểu đường. Do đó, quản lý tốt các bệnh mắc kèm này chính là phương pháp hữu hiệu để ngăn chặn tiểu đường. Ngoài lối sống lành mạnh, bạn nên duy trì sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, đồng thời tái khám đúng lịch hẹn để kiểm soát tình trạng bệnh.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ nên được thực hiện ít nhất mỗi năm một lần ở những người trên 50 tuổi. Điều này giúp bạn phát hiện sớm nếu như mắc tiểu đường, từ đó hạn chế những biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Trên đây là một số lời khuyên giúp người lớn tuổi có một sức khỏe tốt cả về thể chất lẫn tinh thần, từ đó hạn chế nguy cơ mắc tiểu đường.
Tài liệu tham khảo: myDr, diabetes.org, CDC