Biến chứng bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là tập hợp các tổn thương tại tim, mắt, thận, da, bàn chân, thần kinh… do bệnh tiểu đường gây ra. Nếu không phòng ngừa và điều trị kịp thời, biến chứng tiểu đường có thể gây tử vong hoặc làm giảm tuổi thọ của người bệnh.

Tiểu đường có thể gây biến chứng trên khắp cơ thể.

Tại sao người bệnh tiểu đường bị biến chứng?

Cơ chế sinh biến chứng tiểu đường rất phức tạp. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là quá trình stress oxy hóa xảy ra khi đường huyết tăng cao.

Cụ thể hơn, lượng đường trong máu tăng sẽ kéo theo rối loạn chuyển hóa mỡ và rối loạn chuyển hóa đạm. Những rối loạn này tạo ra nhiều chất oxy hóa vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể gây stress oxy hóa.

Khi cơ thể bị stress oxy hóa, các mạch máu và tế bào thần kinh sẽ bị tổn thương gây thiếu máu tới các cơ quan. Cuối cùng các cơ quan dần suy yếu và biểu hiện ra ngoài thành biến chứng.

Tất cả người bệnh tiểu đường đều có thể bị biến chứng nếu không kiểm soát tốt đường huyết và stress oxy hóa. Tuy nhiên, nguy cơ biến chứng sẽ cao hơn ở những người mắc tiểu đường lâu năm, cao tuổi, hút thuốc lá, nghiện bia rượu, đặc biệt là bị tăng huyết áp và mỡ máu cao.

Các biến chứng bệnh tiểu đường thường gặp

Theo loại bệnh, có thể phân các biến chứng thành 2 nhóm chính: biến chứng tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 và biến chứng tiểu đường thai kỳ.

Biến chứng tiểu đường tuýp 1, tuýp 2

  • Biến chứng tim mạch do tiểu đường: Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Bao gồm bệnh động mạch vành, đau tim, đột quỵ và xơ vữa động mạch. Biến chứng này thường tiến triển âm thầm không có triệu chứng và gây ra ⅔ số ca tử vong ở người tiểu đường.
  • Biến chứng thần kinh tiểu đường: Đây là biến chứng xảy ra sớm và phổ biến nhất của bệnh tiểu đường. Tùy vị trí thần kinh bị tổn thương mà biểu hiện triệu chứng sẽ có sự khác nhau. Tổn thương thần kinh ngoại biên tới các chi có thể gây tê, ngứa ran, nóng rát hoặc đau (thường bắt đầu ở đầu ngón chân, ngón tay, sau đó lan dần dần lên trên). Tổn thương dây thần kinh tự chủ liên quan đến tiêu hóa có thể gây buồn nôn, nôn, nuốt khó, tiêu chảy hoặc táo bón. Nếu ở thần kinh tim sẽ gây nhịp tim nhanh khi nghỉ, hạ huyết áp tư thế đứng hoặc rối loạn cương dương và khô âm đạo nếu tổn thương dây thần kinh liên quan đến hệ sinh dục.

Tê bì chân tay là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường.

Tê bì chân tay là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường.

  • Bệnh thận đái tháo đường: Tổn thương mạch máu nuôi dưỡng thận có thể dẫn đến xơ hóa thận và gây tiểu đạm (do lỗ lọc cầu thận bị to ra). Nghiêm trọng có thể dẫn đến suy thận hoặc bệnh thận giai đoạn cuối, có thể phải lọc máu hoặc ghép thận để tránh tử vong.
  • Tổn thương mắt: Tiểu đường có thể làm hỏng các mạch máu của võng mạc và gây ra bệnh võng mạc tiểu đường. Biến chứng này không chỉ khiến người bệnh bị giảm thị lực. Nếu không điều trị sớm, người bệnh có thể phải đối mặt với nguy cơ mù lòa vĩnh viễn. Ngoài ra,  người bị tiểu đường cũng dễ mắc các bệnh về mắt nghiêm trọng khác, chẳng hạn như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và bệnh võng mạc đái tháo đường.
  • Loét bàn chân tiểu đường: Biến chứng này là hậu quả của 3 biến chứng phối hợp: biến chứng thần kinh, mạch máu và nhiễm trùng. Nếu không được điều trị đúng cách, vết thương và mụn nước có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng, thường rất lâu lành. Những nhiễm trùng này cuối cùng có thể yêu cầu cắt cụt ngón chân, bàn chân hoặc chân.
  • Bệnh về da: Bệnh tiểu đường có thể khiến bạn dễ gặp các vấn đề về da hơn (da khô, ngứa, nhiễm nấm, u mỡ, gai đen…). Mặc dù không nguy hiểm tính mạng nhưng biến chứng này ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày của người mắc phải.
  • Các biến chứng cấp tính: Bao gồm hạ đường huyết, tăng áp lực thẩm thấu và nhiễm toan ceton do tăng đường huyết. Những biến chứng này đều yêu cầu cấp cứu khẩn cấp vì có thể khiến người bệnh hôn mê, thậm chí tử vong trong thời gian ngắn.

Xem thêm: Giao lưu trực tuyến về biến chứng tiểu đường - Ths. BS Nguyễn Huy Cường, Nguyên phó trưởng khoa Đái tháo đường, BV Nội tiết Trung Ương

Bác sĩ tư vấn về cách phòng và điều trị hiệu quả biến chứng tiểu đường

Biến chứng tiểu đường thai kỳ

  • Biến chứng với thai nhi: Thai to, dị tật, có nguy cơ hạ đường huyết và mắc tiểu đường tuýp 2 sau sinh, thai chết lưu...
  • Biến chứng với thai phụ: Tiền sản giật, nguy cơ bị tiểu đường type 2 sau sinh hoặc tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai tiếp theo, sẩy thai, khó sinh thường...

Khả năng gặp biến chứng ở phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ khá thấp. Tuy nhiên với tiểu đường tuýp 1, tuýp 2, nguy cơ biến chứng sẽ cao hơn rất nhiều.

Biến chứng bệnh tiểu đường xuất hiện khi nào?

Biến chứng bệnh tiểu đường có thể xuất hiện đột ngột (biến chứng cấp tính) hoặc sau thời gian 5 - 10 năm mắc bệnh (biến chứng mạn tính). Tuy nhiên, một số người bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể bị biến chứng ngay tại thời điểm phát hiện bệnh.

Nguyên nhân là do tiểu đường tuýp 2 thường tiến triển âm thầm. Người bệnh có triệu chứng không rõ ràng nên không đi khám sớm, đến lúc phát hiện bệnh thì đã có biến chứng. Phổ biến nhất là biến chứng thần kinh (chân tay tê bì, bỏng rát…) và biến chứng tim mạch.

Thời gian xuất hiện biến chứng bệnh tiểu đường có thể thay đổi. Nếu kiểm soát tốt đường huyết và tình trạng stress oxy hóa, người bệnh có thể mắc bệnh 15 - 20 năm mà vẫn chưa bị biến chứng.

Phòng ngừa biến chứng giúp người tiểu đường sống khỏe và sống lâu hơn.

Phòng ngừa biến chứng giúp người tiểu đường sống khỏe và sống lâu hơn.

Cách phòng ngừa biến chứng bệnh tiểu đường

Điều trị biến chứng tiểu đường thường rất khó khăn. Người bệnh sẽ phải dùng nhiều thuốc phối hợp chứ không còn đơn thuần là dùng thuốc hạ đường huyết. Chẳng hạn như:

  • Thuốc hạ huyết áp, thuốc giảm mỡ máu, thuốc chữa suy tim, thuốc chống đông cho biến chứng tim mạch.
  • Thuốc lợi tiểu, thuốc giảm phù cho biến chứng thận.
  • Thuốc chống tăng sinh mạch máu cho biến chứng võng mạc.
  • Thuốc kháng sinh, kháng viêm cho biến chứng loét bàn chân.

Việc dùng quá nhiều thuốc có thể làm tăng gánh nặng lên gan thận và khiến người bệnh khó kiểm soát đường huyết hơn. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu vẫn là phòng ngừa biến chứng trước khi chúng xuất hiện.

Để phòng ngừa biến chứng tiểu đường, người bệnh cần áp dụng các giải pháp sau:

  • Ăn uống lành mạnh: Ưu tiên các thực phẩm có chỉ số đường huyết GI thấp (rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt nạc…) và thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (các loại hạt, quả mọng, rau lá xanh, trái cây màu vàng cam…). Đồng thời, bạn không nên ăn quá no, nên ăn rau đầu bữa và hạn chế ăn sau 8h tối.
  • Vận động vừa sức và thường xuyên: Không phải cứ tập nặng là tốt bởi người tiểu đường cũng dễ bị hạ đường huyết tương tự như tăng đường huyết. Vì vậy, hãy chọn cho mình những bài tập nhẹ nhàng và cố gắng duy trì hàng ngày, không bỏ tập quá 2 ngày liên tiếp
  • Kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu: Nếu bạn chưa bị tăng huyết áp hay mỡ máu cao, hãy ăn giảm muối, giảm mỡ động vật. Trường hợp bị tăng huyết áp, mỡ máu, bạn cần báo cho bác sĩ để được kê thêm thuốc điều trị.

Kiểm soát mỡ máu, huyết áp giúp giảm nguy cơ biến chứng.

Kiểm soát mỡ máu, huyết áp giúp giảm nguy cơ biến chứng

  • Bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu: Đây là hai yếu tố làm tăng nguy cơ biến chứng. Vì vậy nếu bạn đang có chúng, hãy cố gắng từ bỏ. Riêng với bia rượu, nên hạn chế uống không quá 1 - 2 lon bia, 2-3 ly rượu mỗi ngày.
  • Thăm khám định kỳ: Ngay khi phát hiện bệnh, bạn nên đi kiểm tra mắt, bàn chân và tim mạch để kiểm tra xem có biến chứng hay không. Sau đó mỗi năm đi kiểm tra lại. Với đường huyết, thời gian đầu mắc bệnh hay khi mới được bác sĩ kê thêm thuốc, nên thử đường huyết khi đói, sau ăn bằng máy đo tại nhà 2 - 4 lần/ngày và đo HbA1c tại viện 3 tháng 1 lần. Khi đường huyết ổn định, có thể giảm tần suất xuống 1 - 2 lần/tuần với đường huyết khi đói, 6 tháng/lần với HbA1c.

Biến chứng bệnh tiểu đường (đái tháo đường) có thể xảy ra bất cứ khi nào. Nhưng nếu điều trị đúng cách, người mắc bệnh tiểu đường có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi đầu của các biến chứng. Vì vậy, hãy chủ động phòng ngừa biến chứng trước khi chúng gây hại tới tính mạng và tuổi thọ của bạn. 


Tham khảo: diabetes.org, mayoclinic.org, idf.org