Cả bệnh tiểu đường type 1 và type 2 đều có thể di truyền. Bố mẹ bị tiểu đường có thể truyền sang con qua gen. Thế nhưng, không phải khi nào con cái cũng mắc bệnh. Bởi ngoài yếu tố di truyền, bệnh tiểu đường còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác.
Bệnh tiểu đường type 1 và yếu tố di truyền
Trước đây, bệnh tiểu đường type 1 được cho là hoàn toàn do di truyền vì phần lớn gặp ở trẻ em – những đối tượng chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi lối sống. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu mới đã chứng minh rằng, yếu tố gen chiếm một phần nhỏ trong nguyên nhân gây bệnh ở trẻ. Cụ thể, nếu mẹ mắc tiểu đường type 1 thì con có nguy cơ là 3%. Nguy cơ bị tiểu đường sẽ tăng lên 5% nếu người mắc là bố và tăng lên 8% nếu có anh, chị em ruột mắc bệnh.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 1, bao gồm:
- Thời tiết lạnh: Bệnh thường phát triển nhiều hơn vào mùa Đông và cũng phổ biến ở những nơi có khí hậu lạnh.
- Virus: Một số virus như quai bị, sởi, rotavirus và virus Coxsackie B có thể kích hoạt bệnh tiểu đường type 1.
- Chế độ ăn uống: Những đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn hẳn.
Nếu bạn hoặc chồng bị tiểu đường type 1, bạn hoàn toàn có thể tin rằng con bạn có cơ hội không mắc bệnh khi lớn lên. Và để làm được điều này, hãy cố gắng ngăn chặn những yếu tố nguy cơ như thời tiết, ăn uống, virus.
Nguy cơ di truyền của bệnh tiểu đường type 2
Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố di truyền
So với tiểu đường loại 1 thì tiểu đường loại 2 có mối quan hệ chặt chẽ hơn với huyết thống và tiền sử gia đình.
Theo một nghiên cứu được thực hiện ở những người mắc tiểu đường type 2 cho thấy, 73% trong số những người này có tiền sử gia đình mắc tiểu đường. Điều này cho thấy, yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường loại 2.
Lý giải về nghịch lý này, các chuyên gia Đái tháo đường cho biết: Chúng ta thường có xu hướng học theo thói quen của người thân trong gia đình. Ví dụ, nếu bố mẹ có thói quen ăn nhiều đồ dầu mỡ, tương lai con cái cũng sẽ có thói quen tương tự. Trong khi lối sống chưa lành mạnh là một trong những nguyên nhân chính gây ra tiểu đường type 2.
Mặc dù yếu tố di truyền quyết định rất lớn đến nguy cơ mắc tiểu đường type 2 nhưng bạn vẫn có thể bị bệnh này ngay cả khi trong gia đình không có ai mắc. Vì vậy, bạn cần biết được các yếu tố nguy cơ của bệnh để phòng tránh ngay từ đầu, chúng bao gồm: Thừa cân, lười vận động, huyết áp cao, tiền sử bệnh tim mạch, trầm cảm, tiền sử tiểu đường thai kỳ.
Những cách phòng ngừa tiểu đường hiệu quả
Không có ai tránh được bệnh tiểu đường 100%. Nhưng bằng việc duy trì lối sống lành mạnh, và gia đình có thể giảm tối đa nguy cơ mắc tiểu đường cho mình. Và ngay cả khi chẳng may bị bệnh, những việc này sẽ giúp bạn có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh và sống lâu hơn với tiểu đường.
Một lối sống lành mạnh sẽ cần:
- Thói quen tập thể dục thường xuyên.
- Chế độ ăn uống nhiều rau củ quả tươi, ít tinh bột, đồ ngọt, rượu, bia, thuốc lá…
- Cân nặng khỏe mạnh với BMI (= cân nặng (kg) : chiều cao (m) : chiều cao (m)) < 23.
- Tinh thần thoải mái.
- Ngủ đủ giấc.
Ngoài ra, hãy cố gắng thăm khám định kỳ 1 năm 1 lần để phát hiện sớm những bất thường về chỉ số đường huyết. Nếu bạn đang mang thai, đừng quên đi sàng lọc tiểu đường thai kỳ vào tuần 24 - 28 của thai kỳ.
Sẽ dễ hiểu khi bạn có lo lắng “Bệnh tiểu đường có di truyền không” nếu bản thân, chồng hoặc gia đình có người mắc bệnh. Mặc dù tiểu đường có thể di truyền, tuy nhiên tỷ lệ di truyền khá thấp. Và việc hạn chế di truyền từ đời này qua đời khác là hoàn toàn có thể.
Tham khảo: thelancet.com, who.int, nature.com