Mỗi giai đoạn bệnh tiểu đường sẽ có cách điều trị khác nhau. Vì vậy bạn cần hiểu rõ bệnh tiểu đường có mấy giai đoạn để kiểm soát bệnh hiệu quả. Dưới đây, hãy cùng Hotangduong.vn tìm hiểu đặc điểm, triệu chứng và cách điều trị từng giai đoạn bệnh tiểu đường.
Người bệnh tiểu đường cần hiểu rõ đặc điểm các giai đoạn của bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường có mấy giai đoạn?
Với tiểu đường tuýp 1 và tuýp 3 (tiểu đường não), sẽ khó để phân chia giai đoạn bệnh. Tuy nhiên ở tiểu đường tuýp 2 (chiếm 90% trường hợp mắc tiểu đường), bệnh thường phát triển qua 4 giai đoạn chính:
- Giai đoạn tiền tiểu đường.
- Giai đoạn bị tiểu đường tuýp 2.
- Giai đoạn tiểu đường có biến chứng
- Bệnh tiểu đường giai đoạn cuối.
Đa số người bệnh tiểu đường hiện nay thường phát hiện muộn ở giai đoạn 2. Thậm chí nhiều người khi biết mình mắc bệnh đã bước sang giai đoạn 3 có nhiều biến chứng trên thần kinh, tim, da, mắt, bàn chân...
Đặc điểm các giai đoạn của bệnh tiểu đường
Mỗi giai đoạn bệnh tiểu đường sẽ có những đặc điểm riêng biệt tùy theo mức độ kháng insulin, suy giảm tuyến tụy và biến chứng.
Giai đoạn 1: Giai đoạn tiền tiểu đường
Tiền tiểu đường là tình trạng đường huyết cao hơn bình thường nhưng chưa đủ để được chẩn đoán bệnh tiểu đường. Triệu chứng ở giai đoạn này là rất mơ hồ và khó nhận biết. Tuy nhiên, nếu có những dấu hiệu sau, bạn có thể nghi ngờ mình mắc tiền tiểu đường:
- Xuất hiện các vùng da tối màu ở sau gáy, nách, bẹn, cổ tay, cổ chân…
- Hay cảm thấy mệt, khát nước.
- Thấy thị lực giảm sút.
- Da khô, bong tróc bất thường.
- Vết thương chậm lành hơn bình thường.
Tiền tiểu đường là giai đoạn duy nhất có thể chữa khỏi. Nếu ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn phần lớn người bệnh sẽ không tiến triển thành tiểu đường tuýp 2.
Dấu gai đen ở cổ là triệu chứng đặc trưng của giai đoạn tiền tiểu đường.
Giai đoạn 2: Giai đoạn bị tiểu đường tuýp 2
Nếu tiền tiểu đường không được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn bị tiểu đường tuýp 2. Khi này ngoài kháng insulin, người bệnh còn bị suy giảm chức năng tuyến tụy khiến đường huyết tăng cao vượt ngưỡng và gây ra hội chứng “4 nhiều”. Cụ thể hơn là:
- Đường huyết khi đói ≥ 7 mmol/l
- Đường huyết sau ăn 2h ≥ 11.1 mmol/l
- Chỉ số HbA1c ≥ 6.5%
- Tiểu nhiều.
- Khát nước nhiều.
- Ăn nhiều.
- Sút cân nhiều.
Người bệnh cũng có thể có những triệu chứng tương tự như giai đoạn tiền tiểu đường (mắt mờ, da khô ngứa, tê bì chân tay, vết thương khó lành…)
Tiểu đường tuýp 2 khó có thể chữa khỏi hoàn toàn. Mục tiêu điều trị chủ yếu là kiểm soát tốt tất cả các chỉ số đường huyết và phòng ngừa bệnh tiểu đường tiến triển sinh biến chứng.
Giai đoạn 3: Giai đoạn tiểu đường có biến chứng
Ở giai đoạn 3 của bệnh tiểu đường, người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Chẳng hạn như:
- Biến chứng tim mạch: xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim…
- Biến chứng thần kinh ngoại biên: tê bì chân tay, có cảm giác nóng rát, kiến bò ở bàn chân, bàn tay…
- Biến chứng trên da: da khô, bong tróc, ngứa ngáy hoặc nhiễm nấm.
- Biến chứng mắt: mờ mắt, nhức mắt, nhìn thấy đốm đen…
- Biến chứng bàn chân: vết thương lâu lành, nhiễm trùng, loét bàn chân.
Mục tiêu điều trị của người bệnh tiểu đường giai đoạn 3 sẽ không đơn thuần là hạ đường huyết mà hơn hết, người bệnh cần hướng tới việc làm sao để cải thiện, điều trị được các biến chứng tiểu đường
Khi có biến chứng, người tiểu đường cần ưu tiên cải thiện biến chứng.
Giai đoạn 4: Bệnh tiểu đường giai đoạn cuối
Đây là giai đoạn khó điều trị nhất. Người bệnh không chỉ bị kháng insulin hay suy kiệt tuyến tụy nặng. Nguy hiểm hơn, họ còn gặp nhiều biến chứng cùng lúc với mức độ nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Người bệnh tiểu đường giai đoạn cuối rất dễ bị hạ đường huyết cấp nên việc kiểm soát đường huyết sẽ được nới lỏng hơn. Có thể đường huyết khi đói 8 chấm, HbA1c từ 7 - 8% vẫn chấp nhận được. Chủ yếu trong giai đoạn này, bác sĩ sẽ tập trung vào điều trị các biến chứng để kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
Ranh giới giữa các giai đoạn của bệnh tiểu đường thường không quá rạch ròi. Đặc biệt là trong những giai đoạn đầu của bệnh. Bởi vậy, thay vì lo lắng bệnh tiểu đường có mấy giai đoạn? Mình ở giai đoạn nào có nặng không?, bạn hãy cố gắng kiểm soát tốt đường huyết và biến chứng của bệnh.
Những cách làm chậm sự phát triển của bệnh tiểu đường
Để ngăn ngừa bệnh tiểu đường chuyển sang giai đoạn nặng hơn, bạn cần tuân thủ các lưu ý dưới đây:
- Ăn đúng và tập luyện đủ: Bạn nên ăn đủ theo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể để đảm bảo dinh dưỡng. Ăn rau đầu bữa, ăn chậm, ăn đa dạng các món ăn. Trong mỗi nhóm thực phẩm, nên ưu tiên thực phẩm nào có chỉ số đường huyết GI thấp hơn. Về tập luyện, bạn cần tập 30 phút mỗi ngày, không cần tập quá gắng sức nhưng phải duy trì thường xuyên.
- Dùng thuốc tiểu đường theo đúng chỉ định và thăm khám bác sĩ định kỳ: Thời gian đầu, bạn có thể đi khám 1 - 3 tháng/lần. Khi đường huyết ổn định, có thể giãn cách ra từ 3 - 6 tháng. Mỗi lần kiểm tra, bạn nên đo HbA1c. Ngoài ra hàng năm nên đi khám mắt, tim để phòng nguy cơ biến chứng.
- Giảm cân nếu thừa cân: Một số người bệnh tiểu đường có thể bị sút cân. Nhưng với những người thừa cân (BMI ≥ 23) thì việc giảm cân lại có lợi. Giảm cân trong trường hợp này sẽ giúp giảm kháng insulin, nhờ đó giúp kiểm soát đường huyết.
- Chăm sóc bàn chân: Vệ sinh sạch sẽ, đi giày tất phù hợp, kiểm tra bàn chân hàng ngày để phòng nguy cơ loét chân.
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu rõ các giai đoạn của bệnh tiểu đường và biết cách kiểm soát từng giai đoạn. Nếu có băn khoăn khác về căn bệnh này, đừng ngần ngại để lại câu hỏi ngay dưới bài viết để được hỗ trợ tư vấn.
Tham khảo:
https://www.sepalika.com/type-2-diabetes/symptoms-of-prediabetes/
https://www.emedicinehealth.com/high_blood_sugar_hyperglycemia/page2_em.htm#high_blood_sugar_symptoms
https://www.webmd.com/diabetes/guide/risks-complications-uncontrolled-diabetes#2
https://www.webmd.com/diabetes/type-2-diabetes-guide/stop-prediabetes-progression#1