Tiểu đường hay đái tháo đường được định nghĩa là bệnh rối loạn chuyển hóa mãn tính do cơ thể không sản xuất được insulin hoặc dùng insulin không hiệu quả khiến đường huyết tăng cao. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm trên tim, mắt, thận, thần kinh… nếu không được điều trị sớm. Vì vậy, bạn cần hiểu rõ nguyên nhân, phân loại, dấu hiệu và cách điều trị căn bệnh này để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Các loại bệnh tiểu đường thường gặp

Bệnh tiểu đường có 3 loại chính là tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ được phân loại theo nguyên nhân gây bệnh:

  • Tiểu đường tuýp 2: Đây là loại bệnh phổ biến nhất, chiếm 90% các trường hợp mắc tiểu đường. Bệnh thường xuất hiện ở người bệnh trung tuổi nhưng hiện đang có xu hướng trẻ hóa. Người bệnh tiểu đường tuýp 2 chỉ bị thiếu insulin và kháng insulin (không nhất thiết phải tiêm insulin) nên còn được gọi là tiểu đường không phụ thuộc insulin.
  • Tiểu đường tuýp 1: Người bệnh tiểu đường tuýp 1 không không tự sản xuất được insulin nên buộc phải tiêm insulin (tiểu đường phụ thuộc insulin). Loại bệnh này được xếp vào nhóm bệnh tự miễn, thường gặp ở trẻ em.
  • Tiểu đường thai kỳ: là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao vượt ngưỡng xảy ra từ tuần 24 - 28 của thai kỳ. Thống kê có khoảng 5 - 10% phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ.

Ngoài 3 loại tiểu đường kể trên, có 1 loại tiểu đường cũng hay được nhắc đến là tiểu đường type 3 (tiểu đường não). Người bệnh bị thiếu insulin tại não gây giảm trí nhớ. Bệnh thường xuất hiện ở những người mắc tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 lâu năm.

Người bệnh bị thiếu insulin tại não gây giảm trí nhớ

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường

Nguyên nhân sâu xa gây bệnh tiểu đường là tuyến tụy không tiết được insulin (tiểu đường type 1), giảm tiết insulin và kháng insulin (tiểu đường type 2, tiểu đường thai kỳ). Những nguyên nhân này thường gặp ở người có các yếu tố nguy cơ sau:

  • Tiền tiểu đường.
  • Tuổi  ≥ 45 tuổi.
  • Có bố mẹ, anh chị em ruột mắc bệnh. 
  • Thừa cân, béo phì.
  • Ít vận động.
  • Vòng bụng to ≥ 90cm với nam giới và ≥ 80cm với nữ giới
  • Bị tăng huyết áp, mỡ máu cao.
  • Phụ nữ mắc buồng trứng đa nang, thai to.

Vì vậy, nếu bạn có 1 trong các yếu tố nguy cơ trên, bạn cần đi kiểm tra chỉ số đường huyết để tầm soát bệnh tiểu đường 1 - 3 năm/lần.

Thừa cân có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.

Thừa cân có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường có những biến chứng nguy hiểm gì?

Bệnh tiểu đường type 1, type 2 có thể gây biến chứng trên tất cả các cơ quan trong cơ thể. Dựa vào thời gian xuất hiện, người ta có thể chia các biến chứng tiểu đường thành 2 nhóm:

  • Biến chứng cấp tính (xảy ra đột ngột): Nhiễm toan ceton, nhiễm toan acid lactic, tăng áp lực thẩm thấu, hạ đường huyết.
  • Biến chứng mạn tính (thường xảy ra sau 5 - 10 năm mắc bệnh): Biến chứng tim mạch, bệnh động mạch ngoại biên (mạch máu lớn), biến chứng thận, bệnh võng mạc (mạch máu nhỏ), biến chứng thần kinh ngoại biên, thần kinh tự chủ, bệnh về da, bệnh bàn chân, biến chứng nhiễm trùng...

Với tiểu đường thai kỳ, mẹ và thai nhi có thể gặp các biến chứng sau:

  • Biến chứng với mẹ: thai to, tiền sản giật, nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 sau khi sinh, sẩy thai, khó sinh.
  • Biến chứng với thai nhi: thai chết lưu, dị tật, hạ đường huyết, suy hô hấp.

Tỷ lệ thai phụ bị tiểu đường thai kỳ bị biến chứng khá thấp. Mẹ bầu kiểm soát đường huyết tốt hoàn toàn có thể sinh con khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên với tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2, biến chứng là nguyên nhân trực tiếp khiến người bệnh tử vong. Vì vậy ngay từ khi phát hiện bệnh, ngoài kiểm soát đường huyết, người bệnh cần chủ động phòng ngừa sớm biến chứng.

Người bệnh tiểu đường cần phòng ngừa biến chứng, đặc biệt là biến chứng tim mạch.

Người bệnh tiểu đường cần phòng ngừa biến chứng, đặc biệt là biến chứng tim mạch.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường có thể được nhận biết qua 4 triệu chứng đặc trưng: tiểu nhiều, khát nhiều, ăn nhiều và sụt cân không rõ nguyên nhân.

Ở người tiểu đường tuýp 1, các triệu chứng này xuất hiện rất rầm rộ ngay tại thời điểm phát bệnh. Tuy nhiên với tiểu đường tuýp 2, khi xuất hiện các triệu chứng này cũng là lúc bệnh đã bước vào giai đoạn khó kiểm soát. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, bạn nên đi khám ngay từ khi có những triệu chứng bệnh tiểu đường giai đoạn đầu (tiền tiểu đường). Cụ thể:

  • Xuất hiện các vết sạm đen ở vùng da có nếp gấp (nách, cổ, khuỷu tay).
  • Thị lực giảm sút.
  • Vết thương lâu lành.
  • Thường xuyên bị mệt mỏi.
  • Chân tay tê bì, da khô ngứa.

Triệu chứng nhận biết sớm tiểu đường sẽ có sự khác nhau giữa phụ nữ và nam giới. Phụ nữ có thể nghi ngờ mình mắc tiểu đường nếu thấy thường xuyên bị nhiễm trùng âm đạo hay nhiễm trùng đường tiết niệu. Triệu chứng này ở nam giới là tình trạng rối loạn cương dương.

Làm thế nào chẩn đoán được bệnh tiểu đường?

Để chẩn đoán chính xác bệnh tiểu đường, bạn cần kiểm tra 1 trong 3 chỉ số: đường huyết khi đói, đường huyết sau 2h làm nghiệm pháp dung nạp glucose và HbA1c. Xét nghiệm này buộc phải thực hiện ở các bệnh viện có máy đo đường huyết tĩnh mạch (thường là tuyến huyện trở lên). Chi phí xét nghiệm rơi vào khoảng 30.000 - 150.000 tùy nơi khám và loại xét nghiệm.

Bảng chỉ số đường huyết chẩn đoán tiền tiểu đường, tiểu đường, tiểu đường thai kỳ.

Bảng chỉ số đường huyết chẩn đoán tiền tiểu đường, tiểu đường, tiểu đường thai kỳ.

Cách điều trị bệnh tiểu đường

Để điều trị bệnh tiểu đường, bạn cần thay đổi lối sống và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Thay đổi lối sống

Đây là bước cơ bản mà bất kỳ người bệnh tiểu đường nào đều phải thực hiện. Ngay cả khi đường huyết đã được kiểm soát, người bệnh vẫn phải duy trì thay đổi lối sống suốt đời.

Các thay đổi lối sống mà bạn cần thực hiện khi bị tiểu đường là:

  • Ăn uống lành mạnh: Bạn cần ăn giảm đường và tinh bột, nên chọn các loại tinh bột có nhiều chất xơ như gạo lứt, yến mạch… Đồng thời nên ăn nhiều rau xanh, trái cây nguyên quả, ưu tiên các loại đạm tốt (cá, thịt nạc, dầu thực vật, đậu phụ…). Trong chế biến món ăn, bạn nên nấu theo kiểu luộc, hấp hoặc nướng, hạn chế dùng nhiều muối, nhiều đường. Ngoài ra, chỉ nên ăn vừa đủ, không ăn quá no, ăn đúng bữa và hạn chế ăn sau 8h tối.
  • Hạn chế bia rượu: uống không quá 1 ly/ngày với phụ nữ và 2 ly/ngày với nam giới. Một ly tương đương với 330ml bia, 120ml rượu nhẹ và 45ml rượu mạnh.
  • Tập thể dục vừa sức và thường xuyên: Bạn nên chọn các bài thể dục mà mình yêu thích. để có thể duy trì tập luyện tối thiểu 150 phút mỗi tuần hoặc 5 buổi/tuần. Ban đầu nên tập khoảng 10 - 15 phút/ngày, sau đó tập tăng dần lên 30 phút/ngày.
  • Ngừng hút thuốc, ngủ đủ giấc.

Thực đơn mẫu 1 ngày cho người bệnh tiểu đường

Thực đơn mẫu 1 ngày cho người bệnh tiểu đường

Xem thêm: Bệnh tiểu đường nên ăn gì kiêng gì? Gợi ý chi tiết từ chuyên gia

Dùng thuốc điều trị

Khi việc thay đổi lối sống đơn thuần không giúp bạn kiểm soát được đường huyết, bạn sẽ cần dùng thêm thuốc hạ đường huyết. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hầu hết người bệnh đều được kê đơn thuốc ngay tại thời điểm chẩn đoán. Nguyên nhân là do người bệnh nước ta thường phát hiện bệnh muộn, khi đường huyết và HbA1c cao hoặc có triệu chứng, biến chứng rõ rệt.

Việc kê đơn thuốc sẽ phụ thuộc vào loại bệnh (type 1, type 2) và giai đoạn bệnh (mới mắc, có biến chứng hay giai đoạn cuối). Mỗi người bệnh sẽ có 1 phác đồ điều trị riêng. Vì vậy bạn không nên mua theo đơn thuốc của người khác để sử dụng.

Hướng dẫn chọn thuốc theo phác đồ mới nhất của Bộ Y Tế.

Hướng dẫn chọn thuốc theo phác đồ mới nhất của Bộ Y Tế.

Xem thêm: Thuốc tiểu đường: Chi tiết từ AZ thông tin bạn nên biết

Các giải pháp hỗ trợ điều trị khác

Ngoài thuốc và thay đổi lối sống, để tăng hiệu quả điều trị, xu hướng hiện nay là kết hợp thêm các bài thuốc Đông Y dưới dạng viên uống thực phẩm chức năng. Dưới đây là một số cây thuốc nam (thảo dược) được sử dụng nhiều và đã có nghiên cứu về độ an toàn cũng như tác dụng:

  • Các thảo dược hỗ trợ hạ đường huyết: Lá xoài, Mướp đắng, Nhàu, Quế chi, Lá neem…
  • Các thảo dược hỗ trợ chống biến chứng: Mạch Môn, Câu kỷ tử, Hoài Sơn...

Hiện chưa có phương pháp nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh tiểu đường. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ và cẩn thận lựa chọn các thực phẩm chức năng có nguồn gốc rõ ràng (được sản xuất tại các công ty/nhà máy sản xuất Dược phẩm đạt GMP)

Kết hợp Đông - Tây y là xu hướng điều trị tiểu đường được nhiều người lựa chọn.

Kết hợp Đông - Tây y là xu hướng điều trị tiểu đường được nhiều người lựa chọn.

Tiểu đường (đái tháo đường) là một bệnh không lây truyền. Tuy nhiên, bệnh vẫn có xu hướng tăng dần theo thời gian. Bộ Y Tế dự đoán đến năm 2040, Việt Nam sẽ có 6,1 triệu người mắc tiểu đường (tăng gần gấp đôi so với 2017). Vì vậy, mỗi người cần chủ động phòng ngừa và kiểm soát căn bệnh này bằng cách duy trì lối sống lành mạnh và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Tham khảo: diabetes.org, medicalnewstoday.com